Tam Nông

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 03/08/2017 06:00:17

ĐTO - Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp được UBND huyện Tam Nông thực hiện nhiều năm qua, góp phần giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.


Phụ nữ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông có thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình

Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Tam Nông phối hợp với Trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên huyện mở được 9 lớp dạy nghề theo nhu cầu người học, gần 300 học viên tham gia học các nghề: đan ghế nhựa, đan lục bình, may dân dụng, kết cườm, vận hành sửa chữa máy phun xịt.

Phòng LĐ,TB&XH huyện liên kết với Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Xuân Hoàng,... mở 31 lớp dạy nghề theo địa chỉ, có 926 học viên theo học các nghề: cắt gọt kim loại, chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp. Sau khi học nghề, đa số học viên đều tìm được việc làm.

Cùng với việc đào tạo nghề, trên địa bàn huyện đã hình thành được 40 Tổ hợp tác (THT) đan lục bình và may gia công với 841 hội viên tham gia. Hoạt động của các THT được duy trì và phát huy hiệu quả. Nhằm củng cố và phát huy hiệu quả các THT, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã có THT tổ chức nhân rộng mô hình, tổ chức truyền nghề, mở thêm các lớp nghề cho phụ nữ.

Tại xã Phú Đức, hiện có 2 THT đan lục bình, 2 Tổ may gia công hoạt động hiệu quả. Các THT đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 100 phụ nữ/ngày. Ưu điểm nghề đan lục bình là dễ học dễ làm; sau khi học nghề, chị em có thể nhận nguyên liệu về nhà làm. Ưu điểm này đã tạo việc làm cho phụ nữ ở các xã vùng nông thôn, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ,TB&XH huyện tích cực giới thiệu việc làm cho hơn 600 lao động tại các công ty trong và ngoài tỉnh; xem xét giới thiệu cho những hộ nghèo được vay vốn làm kinh tế, tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong 6 tháng năm 2017, huyện đã giải ngân trên 1,4 tỷ đồng vốn vay giúp người nghèo.

Thông qua công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hàng năm, huyện Tam Nông giải quyết việc làm cho hơn 1 ngàn lao động, tạo điều kiện giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo.

Chị Huỳnh Thu Loan ngụ ấp K9, xã Phú Đức thuộc hộ nghèo, sau 1 năm được hỗ trợ học nghề, hiện chị Loan đã có việc làm ổn định. Chị Loan chia sẻ: “Trước đây, tôi chủ yếu làm mướn, thu nhập rất bấp bênh, do phải nuôi con nhỏ nên kinh tế không ổn định. May nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu học nghề chế biến thủy sản, nên hiện nay tôi được vào làm tại Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long, thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng, chồng tôi thì chăn nuôi gà... Cuộc sống gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, 2 con được đi học, đặc biệt là gia đình tôi đã thoát nghèo”. Chị Nguyễn Thị Cẩm Diện ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức từ khi học và làm nghề đan lục bình đã giúp chị có thu nhập. Chị Diện nói: “Hơn 5 tháng nay, làm nghề đan lục bình, cứ 2 ngày là tôi giao sản phẩm, thu nhập khoảng 130 ngàn đồng. Tiền kiếm được giúp tôi trang trải chi phí trong gia đình. Trước kia không có việc làm, gia đình sống rất chật vật”.

Với nhiều nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể huyện trong việc giúp người nghèo, cuối năm 2016, toàn huyện có 789 hộ thoát nghèo. Hiện huyện còn 3.599 hộ nghèo, chiếm 11,92%, giảm 2,30% so với năm trước.

6 tháng cuối năm 2017, huyện Tam Nông đặt chỉ tiêu dạy nghề cho 300 lao động, tư vấn giới thiệu việc làm trên 500 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2%; tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, giải quyết việc làm; liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở tạo việc làm tại chỗ cho người lao động;... Tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có nhiều hộ nghèo được thoát nghèo.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn