Đẩy mạnh công tác tạo việc làm cho người lao động tại địa phương

Cập nhật ngày: 15/03/2022 10:29:03

ĐTO - Qua khảo sát của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) về thị trường lao động (LĐ), từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường lao động có nhiều tín hiệu khả quan. Với nhu cầu tuyển dụng LĐ từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lên đến 100.000 người. Đối với các hoạt động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng lên đến hơn 1.000 người.


Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp

Các doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh đã liên hệ với các đơn vị cung cấp nguồn LĐ phổ thông, LĐ có tay nghề. Đến ngày 11/3/2022, có 36 doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh đăng ký nhu cầu tuyển dụng LĐ trong tỉnh với nhu cầu hơn 22.536 người (trong đó LĐ phổ thông là 20.328 người, còn lại là LĐ có tay nghề). Nhu cầu tuyển tập trung chủ yếu ở các ngành: chế biến nuôi trồng thủy sản, may mặc, may giày da, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, vận hành thiết bị, điện, cơ khí...

Đầu tháng 3/2022, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan trực tiếp đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối, tìm cơ hội việc làm cho người LĐ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) ngay tại công ty để người LĐ đăng ký việc làm. Đến ngày 12/3, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã tổ chức 3 phiên GDVL tại TP Cao Lãnh với hơn 20 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, trực tuyến ở các lĩnh vực: cơ khí, chế biến thủy sản, dệt may, điện, điện tử,... Với sự quan tâm hỗ trợ của UBND các huyện, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã phối hợp vận động hơn 4.590 LĐ đã đăng ký nộp hồ sơ tìm việc làm.

 Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận lên tới 100.000 người, rất nhiều vị trí việc làm khác nhau. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như dệt may, giày da, chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, thông tin truyền thông, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và các hoạt động liên quan đến kinh doanh bất động sản, dịch vụ bảo vệ... Để tạo nguồn cung cấp LĐ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng LĐ trong, ngoài tỉnh, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tiếp tục tổ chức 16 phiên GDVL và đưa 2.587 người đang trình báo mất việc và có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh về trực tiếp tham gia tìm hiểu việc làm tại các công ty, khu, cụm công nghiệp.

 Theo đó, trong tháng 3 và tháng 4/2022, các phiên GDVL được tổ chức trực tiếp tại công ty: Vĩnh Phước (huyện Châu Thành), nhu cầu tuyển 500 người; Hoàng Long (huyện Tam Nông) nhu cầu tuyển 315 người, Vĩnh Hoàn (TP Cao Lãnh) nhu cầu tuyển 571 người; Nghị Phong (TP Cao Lãnh) nhu cầu tuyển 542 người. Ngoài ra, các công ty tại TP Hồng Ngự cũng đăng ký tuyển hơn 450 người... Phòng LĐ-TB&XH TP Hồng Ngự đã tham mưu UBND thành phố ban hành các Kế hoạch giai đoạn 5 năm và năm 2022 về công tác việc làm, đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuyên truyền triển khai đến các xã, phường, cung cấp đường link của Trung tâm DVVL đến người LĐ có nhu cầu để được tư vấn; phối hợp, vận động đưa LĐ đi tham dự phiên GDVL.

Năm 2022, chỉ tiêu giải quyết việc làm trong toàn tỉnh trên 30.000 LĐ và đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài ít nhất 1.500 LĐ. Sở LĐ-TB&XH tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho LĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã trở về sinh sống tại địa phương, tạo điều kiện cho LĐ ở gần gia đình, an tâm tham gia LĐ, sản xuất... Đồng thời chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp đóng trụ sở trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn LĐ, tận dụng được nguồn LĐ kỹ thuật, có tay nghề qua đào tạo, phát huy mạnh mẽ năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thu hút LĐ tham gia học nghề theo nhu cầu tuyển dụng.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo phòng chuyên môn, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn hàng, cung ứng LĐ, hỗ trợ người LĐ trước, trong và sau khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động vận động LĐ về nước đúng thời hạn và tuân thủ đúng hợp đồng LĐ đã ký kết; thực hiện có hiệu quả việc tuyển chọn và tổ chức giáo dục định hướng đối với người LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp theo thỏa thuận giữa 2 địa phương. Chủ động, tích cực tìm kiếm, hợp tác với các hiệp hội, địa phương ở nước ngoài để xúc tiến LĐ, ký kết các thỏa thuận hợp tác về LĐ... Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách về giải quyết việc làm cho người LĐ có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn