Lấp Vò
Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 11/10/2013 04:50:05
Năm 2013, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Lấp Vò có những chuyển biến tích cực.
Ngay từ đầu năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện phối hợp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (gọi tắt là Đề án 1956), thành lập tổ khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, đồng thời khảo sát nhu cầu mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã, thị trấn để thống nhất chọn địa điểm và nghề phù hợp mở lớp đào tạo.
Tính từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Khuyến nông huyện mở 22 lớp dạy nghề (gồm 11 lớp nghề phi nông nghiệp và 11 lớp nghề nông nghiệp) cho lao động nông thôn, thu hút 570 học viên tham dự, đạt 57, 89% chỉ tiêu của tỉnh giao, tăng 4,76% so với cùng kỳ năm 2012 (21 lớp với 530 học viên). Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được huyện tập trung thực hiện. Trong 9 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho 4.089 lao động, đạt 81,78% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh là 1.101, người làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh khác là 2.988 lao động.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã giới thiệu cho 5 lao động làm việc có thời hạn ở các nước Malaysia và Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng trong quý III đã khai giảng 16 lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn với 230 học viên; 8 lớp đào tạo nghề theo địa chỉ với 280 học viên. Phòng LĐ-TB&XH còn phối hợp với Huyện đoàn và UBND các xã, thị trấn đưa 147 lao động tham gia 3 sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. Qua đó, có 21 lao động đăng ký tìm việc và 2 lao động đăng ký học nghề.
Theo Phòng LĐ-TB&XH, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương và UBND các xã, thị trấn trong việc tư vấn, vận động lao động tham gia học nghề, giới thiệu việc làm nên công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện thuận lợi hơn. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 huyện đã phối hợp Đài truyền thanh huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các xã, thị trấn tuyên truyền 53 lượt về nội dung Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và vận động người dân tham gia học nghề. Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tư vấn, vận động học nghề cho 3.250 lượt lao động...
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện đề án vẫn còn gặp khó khăn do công tác vận động lao động tham gia học nghề gặp trở ngại khi đa số lao động muốn tìm việc làm có thu nhập tức thời, không muốn tham gia lớp học nghề; nhiều lao động ở nông thôn còn chưa quan tâm đến việc cần lựa chọn nghề thông qua các sàn giao dịch việc làm...
Trong những tháng cuối năm, huyện Lấp Vò phấn đấu tạo việc làm cho 5.200 lao động và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 44,3% dân số. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông huyện và UBND các xã, thị trấn mở thêm 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tư vấn các lớp nghề, giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo; quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm; hướng dẫn thực hiện tốt việc lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo, cho vay vốn giải quyết việc làm với một số chương trình mục tiêu khác; tiếp tục tư vấn, tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động và chú trọng vào những thị trường có thu nhập cao.
P.L