Đề phòng ngộ độc cá nóc

Cập nhật ngày: 05/06/2015 11:56:07

Hiện nay vẫn còn nhiều người chủ quan ăn cá nóc dù đã được cảnh báo loại cá này có độc tố hết sức nguy hiểm. Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp về vấn đề này.

* PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm do sử dụng cá nóc trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu (Đ.T.B.): Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm khá nhiều, đặc biệt các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, tại các tiệc cưới,... Đây là kết quả của sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2010 – 2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ghi nhận 5 vụ ngộ độc nhỏ tại các bữa ăn hộ gia đình, trong đó có 1 vụ ngộ độc do sử dụng cá nóc để chế biến thức ăn làm 3 người mắc phải nhập viện điều trị. Gần đây, ngày 16/5/2015, tại khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình xảy ra 1 vụ ngộ độc do sử dụng cá nóc. 2 nạn nhân của vụ ngộ độc được điều trị kịp thời, không có trường hợp tử vong.

* PV: Vì sao ăn cá nóc dễ dẫn đến ngộ độc?

- Bác sĩ Đ.T.B.: Ở Việt Nam đã phát hiện trên 60 loài cá nóc thuộc 12 giống sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô,... Phần lớn cá nóc được phát hiện có chứa độc tố nên dễ dẫn đến ngộ độc khi dùng để chế biến thức ăn. Độc tố cá nóc là Tetrodotoxin, đây là một chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, với người chỉ cần ăn 10gr thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc và chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Độc tố Tetrodotoxin là chất không phải protein, tan trong nước, có tính bền vững và kháng nhiệt cao, chịu được nóng và độ khô mà không mất đi độc tính. Do đó, nếu phơi khô, chế biến đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Độc tố Tetrodotoxin có trong cá nóc tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng.


Cá nóc

* PV: Dấu hiệu nhận biết ngộ độc cá nóc?

- Bác sĩ Đ.T.B.: Sau khi ăn phải thịt cá nóc có độc tố, ngộ độc thường xảy ra sau 5 phút, có khi 3-4 giờ, cũng có nghiên cứu cho rằng có thể đến 24 giờ sau khi ăn. Những triệu chứng đầu tiên bao gồm: xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; tê ở môi, lưỡi, sau đó xuất hiện dị cảm kiến bò ở mặt, chân tay. Tiếp theo người bị ngộ độc cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng đầu, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, thít chặt phần ngực trên, chảy nước dãi, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, vã mồ hôi; rối loạn chức năng vận động, kể cả hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi, nói khó ngày càng gia tăng, liệt xuất hiện sau 4 - 24 giờ (đầu tiên là chi dưới, chi trên, sau đó là biểu hiện của liệt hành tủy, liệt cơ hô hấp); các phản xạ gân cơ duy trì trong quá trình liệt; rối loạn chức năng tuần hoàn, giảm huyết áp, loạn nhịp tim, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, cơn động kinh, tiếp đến liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái; cuối cùng là liệt hô hấp và tuần hoàn, trụy tim mạch, ngừng tim, ngừng thở, tử vong. Người bị ngộ độc cá nóc tử vong trong vòng 1 đến 24 giờ đầu là 60%, nếu sống qua 24 giờ thì hy vọng có thể cứu sống được.

* PV: Khi phát hiện người bị ngộ độc cá nóc, cần phải làm gì?

- Bác sĩ Đ.T.B: Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên như tê môi, tê tay (người bệnh vẫn còn tỉnh) thì gây nôn ngay bằng cách ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt hoặc Sorbitol), đồng thời phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

* PV: Bác sĩ có lời khuyên gì trong đề phòng ngộ độc cá nóc?

- Bác sĩ Đ.T.B.: Đối với ngư dân (người đánh bắt thủy sản) cần loại bỏ ngay cá nóc ra khỏi các loại cá khác khi kéo lưới hoặc thu gom cá tại bãi cá, không bán cá nóc và sản phẩm cá nóc. Với người chế biến cá, không phơi khô cá nóc lẫn cá thường để bán, không làm chả cá nóc để bán, không làm cá nóc đông lạnh hoặc với bất cứ hình thức nào để bán, loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản phẩm từ cá. Với người buôn bán cá, tuyệt đối không buôn, bán cá nóc, sản phẩm chế biến từ cá nóc, phải cam kết trước cơ quan quản lý về sản phẩm cá của mình là không có cá nóc. Để tránh ngộ độc, tốt nhất người tiêu dùng không nên ăn cá nóc với bất kể hình thức nào.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Hữu Nghĩa

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn