Hội Người mù Tỉnh Đồng Tháp

Điểm tựa giúp người mù hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 19/04/2018 06:42:03

ĐTO - Những năm qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh Đồng Tháp đã có những hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên (HV), tiêu biểu là mở các lớp dạy chữ, dạy nghề, giúp đỡ HV có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.


Cán bộ Hội Người mù tham gia lớp tin học do Thư viện tỉnh tổ chức

Ong ng Mai Thành Vọng - Chủ tịch HNM tỉnh Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 1.200 người mù đang sinh hoạt tại 12 HNM huyện, thị, thành phố. Để nâng cao mức sống cho HV và người mù, Hội luôn quan tâm mở các lớp học chữ nổi, phổ cập kiến thức tin học, dạy nghề... giúp người mù có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Với những người mù, học chữ không chỉ để thuận lợi cho công việc của mình mà quan trọng là để tiếp cận với những kiến thức, với những cái mới, cái hay mà chỉ có biết chữ mới có thể làm được.

Trung bình mỗi năm, Tỉnh hội đã tổ chức từ 3 - 5 lớp dạy chữ nổi Braille, mỗi lớp có 5 học viên tham gia. Thông qua các lớp học chữ nổi, học viên có thể đọc được các tài liệu bằng chữ Braille, nắm được kiến thức bổ ích để vận dụng trong đời sống hàng ngày. Em Nguyễn Hoàng Nam (SN 1996) - Phó Chủ tịch HNM TX.Hồng Ngự cho biết, từ nhỏ em mắc bệnh bong võng mạc, 2 mắt bị mờ, khi em học đến lớp 5 thì mắt không còn nhìn thấy được. Khi đó, em may mắn được vận động vào Hội, được học chữ nổi, biết chữ nổi Braille, em mới có cơ hội viết các văn bản chữ nổi một cách thành thạo để phục vụ cho công việc của mình ở Hội”.

Cùng chung suy nghĩ với Nam, anh Trần Trung Hiếu - Chủ tịch HNM huyện Tháp Mười cho biết, đối với những người mù, việc tiếp cận kiến thức xã hội thật sự rất khó khăn. Do vậy việc học chữ nổi có ý nghĩa rất quan trọng, vì chỉ khi biết đọc và viết được chữ nổi, người mù mới đọc được các tài liệu bằng chữ nổi Braille để mở mang kiến thức.

Ngoài việc tạo điều kiện cho HV học chữ nổi Braille, HNM tỉnh còn tìm những việc làm đơn giản, phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình HV để giúp họ tham gia lao động sản xuất như: giới thiệu việc làm tại các cơ sơ sản xuất, đóng gói tăm tre, làm đồ thủ công mỹ nghệ; tạo điều kiện cho HV học nghề xoa bóp, mở các cơ sở xoa bóp tại địa bàn dân cư...

Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 cơ sở xoa bóp, tẩm quất do người mù đảm trách tại TP.Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, Tháp Mười, Tân Hồng, TX.Hồng Ngự... với khoảng 30 người mù theo nghề. Các cơ sở tẩm quất này hoạt động thường xuyên, tạo việc làm cho nhiều HV, mỗi tháng có thu nhập hơn 2 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, để chăm lo cho HV, các cấp Hội còn tạo điều kiện cho HV vay vốn chăn nuôi, mua bán nhỏ, đầu tư mở các cơ sở xoa bóp.

Năm 2017, các cấp Hội đã xét cho 42 HV vay vốn, với tổng số 480 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này, nhiều HV có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo. Anh Trần Trung Hiếu ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay của Hội, gia đình tôi đã mở tiệm bán tạp hóa, nước giải khát cải thiện cuộc sống, tôi còn trồng và mua bán giống cây đinh lăng... Nhờ đó, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, khấm khá hơn.

Không dừng lại ở đó, các cấp Hội trong tỉnh còn tích cực vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để tặng quà, xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa cho HV nghèo, khó khăn về nhà ở. Trong năm 2017, các cấp Hội đã vận động được hơn 4 tỷ đồng để chăm lo đời sống cho HV có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Mai Thành Vọng cho biết thêm, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động dạy chữ, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho HV để họ xóa mặc cảm của bản thân, biết vươn lên, hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay công tác dạy chữ nổi, phổ cập tin học, dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của HV. Hội vẫn còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy vi tính còn thiếu... ảnh hưởng đến công tác văn hóa giáo dục của Hội. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, mở thêm các lớp học chữ nổi Braille. Bên cạnh sự nỗ lực của các HV, chúng tôi cũng sẽ tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ HV, bởi hiện nay đa số HV đều có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Mong rằng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ máy vi tính giúp Hội nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả hoạt động.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn