Duy trì hoạt động các mô hình truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình

Cập nhật ngày: 16/10/2017 15:40:24

ĐTO - Năm 2017, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã hướng dẫn các Trung tâm Y tế - Dân số (YT-DS) huyện, thị, thành phố trong tỉnh củng cố thực hiện một số mô hình truyền thông như: truyền thông nhóm, góc tư vấn tại các trạm y tế xã, thị trấn, Câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 trở lên... góp phần nâng cao nhận thức người dân thực hiện KHHGĐ.


Trung tâm Dân số - Y tế huyện Lấp Vò tổ chức truyền thông cho người dân

Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm YT-DS huyện Lấp Vò củng cố hoạt động của hơn 30 nhóm truyền thông trên địa bàn. Vĩnh Thạnh là một trong những xã của huyện duy tốt hoạt động truyền thông nhóm. Hiện nay, xã có 6 nhóm truyền thông về DS-KHHGĐ, sinh hoạt 1 lần/tháng, dần đã tạo thành thói quen cho người dân. Đại diện Trung tâm YT-DS huyện thường đến các nhóm tuyên truyền những vấn đề: vận động phụ nữ không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính khi sinh con, cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại cho người dân.

Cùng với nhóm truyền thông, CLB không sinh con thứ 3 hiện đang hoạt động đều đặn ở các địa phương trong tỉnh. CLB không sinh con thứ 3 xã Phú Điền, huyện Tháp Mười hoạt động hơn 10 năm qua, vận động các phụ nữ không sinh con thứ 3, cung cấp kiến thức pháp luật về DS-KHHGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều gia đình đã bắt đầu thay đổi nhận thức, biết giảm sinh để chăm lo tốt cho con.

Là một trong những thành viên tham gia sinh hoạt CLB thường xuyên, chị Nguyễn Thị Hằng ngụ ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền chia sẻ: “Tôi đã quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt hơn và ổn định kinh tế gia đình. Tham gia CLB, tôi có thêm nhiều kiến thức chăm sóc tốt sức khỏe, phòng các bệnh phụ khoa cho bản thân”.

Để các mô hình truyền thông được duy trì, thời gian qua, các sản phẩm truyền thông luôn được địa phương đổi mới nội dung, lựa chọn đúng đối tượng để tuyên truyền, tuyên truyền đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người tham gia. Nếu như trước đây, cán bộ chuyên trách chủ yếu đi gặp từng đối tượng để tuyên truyền nên mất nhiều thời gian, bây giờ, tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức sinh hoạt CLB. Thông qua hình thức này, các chị được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ các vấn đề về sức khỏe giới tính, KHHGĐ... Chị Võ Thị Liên - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phú Điền chia sẻ: “Qua sinh hoạt tuyên truyền, người dân được trao đổi, chia sẻ, có sự tương tác giữa người nói và người nghe. Từ đó, giúp cho việc truyền thông có hiệu quả hơn”.

Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông, lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ tuyến cơ sở là yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến sự thành công của mô hình. Vì nếu không có sự nỗ lực của lực lượng này trong công tác tuyên truyền, mô hình không hoạt động hiệu quả, chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí hỗ trợ cho lực cộng tác viên còn ít, kinh phí hoạt động truyền thông còn thiếu, do đó việc duy trì mô hình gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chương trình mục tiêu YT-DS đã bắt đầu có sự thay đổi từ năm 2016, chuyển từ giảm số lượng sang nâng cao chất lượng DS, chú trọng tuyên truyền đúng đối tượng, kinh phí cho các hoạt động truyền thông bị cắt giảm, nên hiện nay việc tuyên truyền tại cơ sở một số nơi vẫn còn thiếu tài liệu, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền...

Ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Lực lượng cộng tác viên DS đóng vai trò quan trọng trong khâu tuyên truyền tuyến cơ sở. Để lực lượng này gắn bó lâu dài, hiện nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tham mưu, đề xuất Sở Y tế tỉnh, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để lực lượng cộng tác viên gắn bó lâu dài. Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng thường xuyên giám sát hoạt động các mô hình truyền thông để kịp thời hỗ trợ về tài liệu, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cộng tác viên”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn