Già hóa dân số - Thách thức và cơ hội của người cao tuổi

Cập nhật ngày: 22/06/2015 12:39:44

Theo nguồn số liệu dự báo của Liên hiệp Quốc, thế kỷ 21 là thế kỷ già hóa dân số (GHDS). Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên toàn thế giới là 9% năm 1995 đã tăng lên 11% năm 2006 và dự báo sẽ trên 20% vào năm 2050.

Ở Việt Nam, quá trình chuyển đổi nhân khẩu học cũng đang diễn ra mạnh mẽ. NCT từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh về số lượng và chiếm 1 tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số dân. Kết quả các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở; điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thời điểm ngày 1/4 hàng năm cho thấy số lượng NCT tăng từ 4,64 triệu người (năm 1989) lên 6,19 triệu người (năm 1999), tăng lên 7,65 triệu người (năm 2009) và 8,13 triệu người (năm 2010) với tỷ lệ NCT tăng tương ứng qua các năm là 7,20% lên 8,12% lên 9% và 9,4%. Dự báo tỷ lệ NCT ở nước ta sẽ là 26% vào năm 2050. Theo các nhà nhân khẩu học, các giai đoạn GHDS là khi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% đến dưới 20% tổng dân số.

Đồng Tháp trong những năm qua chương trình Dân số-KHHGĐ đã đạt những kết quả đáng khích lệ: tỷ suất sinh thô 23,15‰ (năm 1989), giảm xuống 18,26‰ (năm 1999) và 13,99‰ (năm 2009) và đến nay là 12,26‰; mức giảm sinh nhanh, trung bình 10 năm, giai đoạn 1989-1999 giảm 0,49‰, giai đoạn 1999-2009 giảm 0,43‰ và giai đoạn 2009-2014 giảm 0,27‰. Tác động của việc giảm sinh nhanh làm số lượng dân số (0-14 tuổi) ít dần; làm thay đổi cấu trúc cơ cấu độ tuổi và tỷ lệ phụ thuộc trên số lượng dân số lao động. Đồng thời, với tiến bộ khoa học kỹ thuật về y học phát triển, nhiều bệnh nan y được chữa khỏi; công tác dự phòng, điều trị, chăm sóc, quản lý sức khỏe ngày càng tốt hơn, giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao tuổi thọ số lượng dân số trên 60 tuổi tăng dần, thể hiện qua tỷ lệ NCT tăng từ 9,89% (năm 2001) tăng lên 10,82% (năm 2014) và hiện nay đã chính thức bước vào giai đoạn GHDS. GHDS, tỷ lệ NCT tăng là một thành tựu xã hội to lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ NCT tăng cũng tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. NCT thường phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn của bệnh tật và nghèo đói.

Theo truyền thống, NCT thường có độ tuổi từ 50 trở lên. Trước cách mạng tháng 8/1945, những người có độ tuổi này không nhiều. Hiện nay, Luật quy định NCT là những người từ 60 tuổi trở lên. Với quan niệm trên, NCT được hiểu là người có tuổi cao. Cách hiểu này đúng nhưng chưa thật đầy đủ, chưa phản ánh được bản chất vấn đề của đối tượng. Từ xưa, cha ông ta đã nói: ‘’Hơn một ngày hay một chước’’ (chước: hiểu một cách khái quát nhất là kinh nghiệm sống). Vì vậy, bên cạnh vấn đề tuổi tác, khái niệm NCT cần được bổ sung thêm đó là sự từng trải, là kinh nghiệm... Nói một cách khái quát hơn, NCT là những người có tuổi cao và dồi dào kinh nghiệm sống... Pháp lệnh NCT ở Việt Nam (Pháp lệnh số 23/2000/PL-UBTVQH, ban hành ngày 28/4/2000) nhận định: “NCT có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội”.

Theo nghiên cứu của Viện Lão khoa Quốc gia, trong lĩnh vực y tế NCT phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép; tỷ lệ NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu như: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường (type2), động kinh và trầm cảm ngày càng tăng. Một trong những căn nguyên sâu xa của các căn bệnh này là do các hành vi liên quan đến thuốc lá, rượu; chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn ít rau, nhiều thịt..); thói quen ít vận động; môi trường sống; tuổi và giới tính... NCT phải đối mặt với nguy cơ tàn phế do cơ chế “hao mòn” của quá trình lão hóa và tác động của các căn bệnh mãn tính. Tàn phế đe dọa mạnh mẽ đến khả năng sống độc lập của NCT.

Nhu cầu lớn nhất của NCT hiện nay là được quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát huy vai trò của NCT ở cộng đồng và xã hội thông qua các chương trình, đề án vận dụng khai thác, kế thừa và phát huy năng lực hiện còn của NCT, đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe để NCT có được cuộc sống vui, sống khỏe, sống có ích cho cộng đồng xã hội.

GHDS là thành tựu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội khi người dân được chăm sóc sức khỏe và đời sống tốt hơn, dẫn tới tuổi thọ cao hơn. Đặc biệt, già hóa tăng nhanh cũng do công tác dân số - KHHGĐ đã kiểm soát mức sinh rất tốt và chặt chẽ. GHDS cũng mang lại nhiều cơ hội, trong đó vai trò NCT là vốn quý, là kho kinh nghiệm sống cần được phát huy. NCT đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Cho dù NCT chỉ hỗ trợ hay tham gia gián tiếp vào các hoạt động kinh tế, họ vẫn có những đóng góp to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

GHDS không chỉ là cơ hội để người dân được chăm sóc sức khỏe và đời sống tốt hơn, dẫn tới tuổi thọ cao hơn mà thế hệ đi sau còn được tiếp thu vốn kiến thức, kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước để lại cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Đây cũng chính là nguồn nhân lực quý giá khi chúng ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa - lao động trí tuệ thay cho lao động cơ bắp. Vì vậy, cần xây dựng chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu của NCT.

Lê Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn