Tháp Mười:
Giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 06/06/2014 05:21:38
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tại huyện Tháp Mười, nhờ chính sách kêu gọi đầu tư phù hợp đã tạo điều kiện giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Công nhân may tại Công ty Tỷ Xuân
Tháp Mười là huyện thuần nông, đời sống kinh tế chủ yếu phụ thuộc việc trồng lúa. Lực lượng lao động dồi dào nhất lại là lao động không có tay nghề ở nông thôn. Trước đây, người dân muốn tìm kiếm việc làm để cải thiện cuộc sống phải tìm đến các tỉnh bạn làm thuê với các nghề khác nhau, nhưng đời sống chưa chuyển biến. Từ khi huyện có chính sách ưu tiên, phù hợp kêu gọi đầu tư tại địa phương, người lao động không phải đi xa tìm kiếm việc làm mà ở tại địa phương được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Hiện nay, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được các cá nhân, tổ chức đầu tư tại địa phương đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thường xuyên và lao động nhàn rỗi. Điển hình như Công ty Sao Mai ở xã Mỹ Đông giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động; Công ty lúa gạo Cẩm Nguyên ở Cụm công nghiệp Trường Xuân thu hút hơn 100 lao động thường xuyên; cơ sở cơ khí Phan Tấn ở xã Mỹ Đông thu hút 40 lao động; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lục bình, đan ghế nhựa... giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Đặc biệt, Công ty TNHH Tỷ Xuân ở thị trấn Mỹ An giải quyết hơn 2.500 lao động yên tâm có việc làm ổn định, tiền lương mỗi công nhân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, ấp 4, xã Đốc Binh Kiều phấn khởi cho biết: “Doanh nghiệp may mặc Tỷ Xuân đóng trên địa bàn đã tạo cho người lao động chúng tôi có được việc làm tại địa phương. Tôi thấy rất vui vì có việc làm ổn định, vừa chăm sóc được con cái và gia đình, vừa có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”. Đại diện Công ty TNHH Tỷ Xuân tại Tháp Mười cho biết, hiện nay Công ty đang mở rộng quy mô diện tích xưởng may và đầu tư trang thiết bị để tuyển chọn công nhân. Dự kiến đến tháng 11/2014 công trình sẽ hoàn thành và tuyển chọn thêm khoảng 800 lao động vào làm việc, nâng tổng số công nhân lao động tại Công ty lên 3.200 lao động.
Việc Công ty Tỷ Xuân đầu tư mở rộng sản xuất tại huyện Tháp Mười được xem là một dấu ấn quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp của địa phương. Theo Bà Trần Thị Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, sự hiện diện của xưởng may Tỷ Xuân tại địa phương thời gian qua, bên cạnh việc tạo điều kiện cho đông đảo người lao động có được việc làm và thu nhập ổn định, còn góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động địa phương nói chung về các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Song song với việc quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai dự án và hoạt động thuận lợi, huyện xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là cách thức hiệu quả để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo nghề thông qua trung tâm dạy nghề huyện, các tổ chức, đoàn thể trực tiếp phối hợp, liên kết đào tạo nghề; chương trình đào tạo chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực có sẵn sang đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của lao động động thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, huyện phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tư vấn trực tiếp tại các cơ sở, địa phương; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền theo chủ đề về dạy nghề, chú trọng giới thiệu việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp trong tỉnh, tìm kiếm các doanh nghiệp có việc làm ổn định để tư vấn cho người lao động; thường xuyên đổi mới hình thức tư vấn, tuyên truyền về thị trường lao động, việc làm trong tỉnh, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận được với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động. Năm 2013, huyện đã ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động...
MN