Giải quyết việc làm ở xã Định Yên

Cập nhật ngày: 08/01/2014 05:57:05

Công tác giải quyết việc luôn được quan tâm, cùng với lợi thế nghề thủ công, nên phần lớn lao động ở xã Định Yên (Lấp Vò) có việc làm ổn định, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo.


Hiện chỉ còn một số ít người dệt chiếu bằng tay ở làng chiếu Định Yên

Ngoài làm nông nghiệp và dệt chiếu, nhiều người ở Định Yên còn giỏi làm các nghề khác như: rèn, mộc, thợ hồ, xay xát, chế biến phụ phẩm cá tra, nấu nhớt, nấu rượu, làm bún,... và đi mua bán nhiều nơi. Theo số liệu điều tra cung cầu lao động năm 2013, tổng số người trong độ tuổi lao động của xã là 16.233 người, trong đó số người có việc làm thường xuyên là 14.674 người; cơ cấu lao động là nông nghiệp 5.518 người (37,60%), công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 5.537 người (37,73%), thương mại - dịch vụ và lao động khác 3.619 người (24,66%). Hiện nay, chỉ tính riêng nghề dệt chiếu đã giải quyết việc làm cho trên 3.500 người, với mức thu nhập bình quân 60.000 đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Bông ở ấp An Lợi B, xã Định Yên cho biết: “Do không đủ vốn đầu tư mua máy dệt chiếu nên tôi và đứa em vẫn còn dệt chiếu bằng tay. Ngày nào tập trung dệt cũng thu nhập được khoảng 40-50 ngàn đồng/người. Dệt chiếu thu nhập không cao, nhưng nhờ ổn định quanh năm, làm bao nhiêu bán cũng hết”.

Ngoài giải quyết lao động tại địa phương, 3 năm qua, xã quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích, tư vấn việc làm cho số lao động có nhu cầu làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các tỉnh khác được 3.728 người. Ước tính có khoảng 50% số người xin việc được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu nhận, có việc làm ổn định.

Giải quyết việc làm có hiệu quả đã góp phần giảm khá nhanh hộ nghèo, hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra: cuối năm 2011 xã có 589 hộ nghèo, cuối năm 2012 còn 377 hộ và đến cuối năm 2013 là 257 hộ (5,66%). Ông Lê Văn Khước - công chức Văn hóa - Xã hội xã Định Yên cho biết, đồng hành với giải quyết việc làm, các năm qua xã thực hiện khá tốt kế hoạch “Phân công đảng viên bám cơ sở, giúp đỡ hộ nghèo” của Huyện ủy Lấp Vò và Đảng ủy xã. Qua đó, các chi bộ đảng trực thuộc Đảng bộ, các ngành chuyên môn xã tổ chức khảo sát, lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo. Từ việc nắm rõ điều kiện thực tế của từng hộ nghèo, Đảng ủy phân công đảng viên chịu trách nhiệm kèm cặp, hướng dẫn phương cách và kinh nghiệm làm ăn, theo dõi việc sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả.

Qua khảo sát đánh giá, hiện số hộ nghèo ở xã có 3 nhóm đối tượng: hộ thuộc diện người già cô đơn, có nhiều người ngoài tuổi lao động ăn theo, có người mắc bệnh hiểm nghèo... rất khó thoát nghèo; hộ lười lao động, tệ nạn xã hội, không có ý chí vươn lên, có tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; một số trường hợp do làm ăn thất bại (các hộ này nếu được hỗ trợ vốn, giúp kinh nghiệm làm ăn sẽ phấn đấu thoát nghèo). Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm của xã còn nhiều khó khăn đối với một số trường hợp ở 2 nhóm đối tượng đầu.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn