Giúp dân thoát nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 26/03/2014 06:23:04

Nhờ linh hoạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với tình hình địa phương, năm 2013, xã Định Yên đã hoàn thành tiêu chí 11 (tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%) trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.


Nghề dệt chiếu truyền thống góp phần rất lớn trong công tác
giảm nghèo của xã

Hàng năm, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã không chỉ huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo mà còn cử các đoàn công tác xã, các tổ công tác ấp khảo sát lại toàn bộ thực trạng các hộ nghèo trên địa bàn: điều kiện kinh tế, nhu cầu, nguyện vọng,... Sau đó, phân công đảng viên trực tiếp xuống cơ sở trực tiếp trao đổi, bàn bạc cùng các gia đình đưa ra phương án làm ăn thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng lao động của từng gia đình.

Đối với những hộ nghèo thiếu vốn nhưng có tay nghề, kinh nghiệm làm ăn, Ban Chỉ đạo xã hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), cử đảng viên kèm cặp, thường xuyên hướng dẫn, động viên để họ phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện kinh tế. Gia đình chị Nguyễn Thị Đém ở ấp An Khương có 3 nhân khẩu, trước đây là hộ nghèo, 2 vợ chồng sống bằng nghề dệt chiếu thủ công, trừ mọi chi phí, trung bình 1 chiếc chiếu thô lời khoảng 7 ngàn đồng và cả ngày, vợ chồng chị chỉ dệt được 4 đôi chiếu thô, nên cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Năm 2012, được xét cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, vợ chồng chị quyết định mua máy dệt chiếu để tăng năng xuất. Từ khi mua máy, việc dệt chiếu chỉ mình chị Đém đảm đương, nhưng trung bình 1 ngày chị cũng dệt trên 5 đôi (với khoảng 70 ngàn đồng/ngày), còn chồng chị thì đi phụ hồ bình quân cũng kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày. Giờ kinh tế gia đình chị Đém đã ổn định, được xã công nhận thoát nghèo.

Đối với hộ nghèo không có kinh nghiệm làm ăn, không có công việc ổn định, Ban Chỉ đạo xã tạo điều kiện cho các thành viên học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động địa phương (nữ học may, dệt chiếu; nam học điển tử, xây dựng,...). Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn đưa các lao động đi tham gia các buổi tư vấn nghề, hội chợ việc làm để giới thiệu họ vào làm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Nhiều lao động tại địa phương, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ở ấp An Bình cho biết: “Gia đình có 4 nhân khẩu, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ được địa phương hỗ trợ học nghề dệt chiếu máy, hàng ngày tôi dệt chiếu thuê cũng kiếm được 50 - 60 chục ngàn, chồng tôi được giới thiệu vào làm bốc vác ở công ty xay xát lúa gạo, mỗi tháng trên 2 triệu đồng, kinh tế gia đình dần được cải thiện. Vừa qua, gia đình tôi còn được xã hỗ trợ 25 triệu đồng xây nhà tình thương, cùng với số tiền dành dụm, vợ chồng tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố”.

Việc chăm lo sức khỏe cho người nghèo và hỗ trợ giáo dục cho con em của họ cũng được xã đặc biệt quan tâm. Các chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo được thực hiện kịp thời. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân cũng được xã tích cực triển khai.

Với những giải pháp hỗ trợ kịp thời, đúng hướng, hộ nghèo trên địa bàn xã giảm rõ rệt qua từng năm. Cuối năm 2011, hộ nghèo của xã chiếm 13,1% đến cuối năm 2013 chỉ còn 5,7%, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Ông Lê Văn Khước, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã chia sẻ: “Bám sát cơ sở, đánh giá đúng thực trạng, đề xuất chính sách phù hợp và hiệu quả, giải quyết tốt nhu cầu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hộ nghèo trong lao động sản xuất, biết học cách làm ăn hiệu quả, tự vươn lên, không trông chờ, ỉ lại vào sự giúp đỡ của xã hội là những giải pháp giảm nghèo được địa phương triển khai thực hiện trong thời gian qua”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn