Ý kiến bạn đọc
Giúp đỡ người nghèo như thế nào để các hộ thoát nghèo bền vững
Cập nhật ngày: 04/10/2013 04:13:43
Qua nhiều năm tiếp xúc nhiều với các hộ nghèo ở nông thôn, nhận thấy nguyên nhân phổ biến dẫn đến nghèo đói là do trình độ học vấn thấp, bỏ học sớm, không nghề nghiệp, không việc làm, không có đất đai để sản xuất, không tiếp cận được dịch vụ tài chính, lạm dụng rượu bia, không tiết kiệm.
Theo tôi, cách làm giảm nghèo hiệu quả nhất là xây dựng phương án hỗ trợ phần vốn ban đầu giúp về kiến thức, công cụ để họ tự mình “chiến đấu” thoát nghèo. Hiện nay, người nghèo Việt Nam được Chính phủ và các tổ chức quốc tế, nhà hảo tâm trong nước quan tâm giúp đỡ nhiều, nhưng có thể có chính sách chưa phù hợp, chưa phát huy hiệu quả. Nhưng thay vào đó, nếu phối hợp chặt chẽ các chương trình khác nhau trên cùng địa bàn, phối hợp các Hội, đoàn thể tạo thành hợp lực lớn hơn, kết quả xóa đói giảm nghèo sẽ tốt hơn.
Đối với hộ nghèo không nhà ở, không đất sản xuất, cần tập trung đào tạo nghề cho tốt rồi giới thiệu việc làm ổn định. Ví dụ ở huyện Tháp Mười, một số lao động sau khi đào tạo nghề sinh vật cảnh, tay nghề khá, lao động được giới thiệu sang Campuchia chăm sóc hoa kiểng tại Trung tâm TP.Nông Pênh và các khu du lịch thu nhập từ 300 - 400 USD/người/tháng, họ đưa luôn vợ con qua mở quán nước giải khác ở các khu du lịch. Hiện nay, 6 hộ này đã thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, còn 12 anh lên TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu sửa kiểng thuê cho các cơ quan, chùa chiền và các vườn kiểng tư nhân thu nhập từ 6,5 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/tháng. Có anh được nhận vào Công ty Du lịch để chăm sóc hoa kiểng với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Hiện nay họ đã thoát được nghèo và tích lũy vốn để sản xuất kinh doanh.
Đối với hộ có đất nhưng không có vốn để sản xuất như gia đình anh Nguyễn Văn Thơ ở kinh Nhì, xã Thanh Mỹ, gia đình 4 nhân khẩu, cha mẹ già yếu. Làm lao động phổ thông không thường xuyên nên không đủ sống sau khi được đào tạo sửa kiểng, anh đi làm mướn sửa kiểng thuê ở nông thôn, anh chọn mua những cây nguyên liệu chủ không dùng để trừ tiền công đem về, nuôi trồng uốn sửa bán được nhiều tiền, tích lũy dần, có vốn mua cá, ếch giống về nuôi. Sau đó đi sửa kiểng thuê lấy tiền mua thức ăn cho cá, ếch. Anh còn nhân ếch giống bán cho bà con quanh vùng cùng nuôi. Với 500m2 đất thổ cư tận dụng trồng kiểng, mỗi dịp Tết bán được vài chục triệu đồng, cộng với tiền công đi sửa kiểng mướn và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng, gia đình anh nhanh chóng thoát nghèo bền vững có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Công tác xóa đói giảm nghèo rất phức tạp, không thể có một công thức chung hay một giải pháp cụ thể nào. Theo tôi không nên sử dụng tiền hỗ trợ từ trên xuống, tức là lãnh đạo cấp trên nghĩ ra chương trình, chính sách rồi ấn xuống cho người thụ hưởng.
Trong những năm qua, gắn bó nhiều với các hộ nghèo, tôi biết họ có nhiều sáng kiến hay về điều họ cần và họ biết phải làm gì để thoát được cảnh nghèo hiện tại của mình.
Chúng ta hãy tìm hiểu để giúp họ một cách tốt nhất. Bài học xóa đói giảm nghèo của Hội Sinh vật cảnh huyện Tháp Mười là: “Nếu hỗ trợ cho cộng đồng để cộng đồng tự giúp các thành viên của mình thì công tác xóa đói giảm nghèo sẽ được duy trì bền vững. Còn nếu chỉ tài trợ các nhu cầu hôm nay thì người nghèo cũng vẫn có nhu cầu tài trợ tương tự như vậy cho ngày mai”.
Trần Quốc Thanh