Giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 27/08/2016 06:26:30

Gần 300 trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTNVPPL) và có nguy cơ vi phạm pháp luật ở 33 xã, phường điểm trong tỉnh đã được phát hiện, quản lý và xử lý chuyển hướng từ năm 2013 đến năm 2016. Đó là kết quả đáng phấn khởi của Dự án hỗ trợ NCTNVPPL dựa vào cộng đồng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Đồng Tháp triển khai.


Cán bộ quản lý trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh đến tuyên truyền, vận động tại gia đình

 Em Đinh Văn Khỏe ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh là con út trong một gia đình có đến 11 anh, chị em. Dù vậy, Khỏe vẫn có điều kiện tiếp tục học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, vì một lúc nông nỗi, nghe theo bạn bè sa vào con đường ăn chơi mà bỏ dỡ chuyện học hành. Nhờ địa phương phát hiện và can thiệp kịp thời, em nhận ra sai lầm và biết chăm lo, phụ giúp gia đình. Ban ngày em đi cắt cỏ, nuôi bò, ban đêm đi cắm câu ếch kiếm thêm thu nhập. Bà Đào Thị Kim Hoan, mẹ của em Khỏe xúc động chia sẻ: “Nhờ mấy cô công tác ở xã nhiều lần đến vận động, giờ con tôi đã sửa đổi, 10 phần giờ giảm còn 7, 8 rồi”.

Hoàn cảnh của em Đào Nhựt Nam ngụ xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh có cha mẹ đi làm mướn, thu nhập bấp bênh, 3 anh em của Nam lại trong tuổi ăn, tuổi lớn. Do chưa đủ hiểu biết và suy nghĩ thấu đáo, Nam và em trai là Đào Nhựt Ninh đã sa vào con đường nghiện game online và dẫn đến nhiều sai phạm như trộm cắp vặt ở xóm, hay gây cãi, đánh nhau với những thanh niên khác. Biết được hoàn cảnh, cán bộ địa phương tìm đến cảm hóa, tư vấn cho các em để tránh tái phạm, đồng thời hỗ trợ gia đình cất lại căn nhà mới để an cư lạc nghiệp. Chứng kiến những thay đổi lớn từ 2 con, người vui nhất chính là ông Đào Văn Tâm, cha của em Đào Nhựt Nam. “Địa phương hỗ trợ cất được căn nhà, gia đình mừng lắm. Các con lớn lên biết giúp đỡ gia đình, không vi phạm pháp luật thì còn gì vui hơn” - ông Tâm chia sẻ.

Trong số gần 300 trường hợp NCTNVPPL và có nguy cơ vi phạm pháp luật ở 33 xã, phường điểm, các em có sự chuyển hướng tích cực nhờ các cán bộ quản lý thường xuyên vãng gia tiếp cận, tư vấn tâm lý và định hướng nghề nghiệp ổn định, tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng. Bên cạnh đó, những cán bộ này còn thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh mỗi gia đình, qua đó có sự tham mưu, phối hợp để hỗ trợ kịp thời cho gia đình các em cải thiện kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Sự ổn định đời sống gia đình góp phần rất lớn vào công tác chuyển đổi hành vi, nhận thức của các đối tượng vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật. Các Câu lạc bộ Nhịp sống trẻ cũng là một điểm sáng của mô hình. Bằng hình thức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng cùng các đối tượng, câu lạc bộ là cầu nối các em với nhịp sống xã hội, tạo sân chơi lành mạnh, tránh cảm giác mặc cảm, tự ti với cộng đồng. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng thường xuyên lồng ghép các thông tin hướng nghiệp, hỗ trợ dạy nghề cho các em.

Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, song nhìn chung, Dự án hỗ trợ NCTNVPPL dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2016 bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra, tạo được sự chuyển biến về nhận thức của quần chúng nhân dân. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành địa phương đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những trẻ em chậm tiến, có nguy cơ mắc sai phạm. Hiệu quả triển khai ở 33 xã, phường điểm của TP.Cao lành và huyện Cao Lãnh sẽ là nền tảng vững chắc để nhân rộng, phát huy mô hình này trong thời gian tới.

Duyên Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn