Gương phụ nữ vượt khó làm giàu

Cập nhật ngày: 21/10/2017 05:22:31

ĐTO - Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, các chị đã vượt khó vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình của phụ nữ địa phương.


Mô hình sản xuất kinh doanh khô cá lóc đồng truyền thống đã giúp chị Hoa vượt qua cảnh nghèo, trở nên khá giàu

Chị Lê Thị Rớt (SN 1967) tên thường gọi là Hoa, ở khóm Bình Thạnh 1, thị trấn Lấp Vò  sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò chị Hoa luôn chí thú làm ăn. Năm 1987, chị lập gia đình. Năm con gái của chị lên 8 tuổi, chị và chồng đã ly hôn, chị đưa con về tá túc bên nhà ngoại.

Chị Hoa cho biết: “Thời gian đầu về nhà mẹ, tôi vừa buồn, vừa lo lắng, không biết cuộc sống sau này sẽ như thế nào, tôi nghĩ phải tìm một cái nghề nào đó để làm ăn, có tiền nuôi con. Nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn giúp cho vay vốn mua bán nhỏ, tôi mua cá về bán lẻ ở chợ kiếm lời, hôm nào bán cá không hết, số cá còn lại tôi làm khô bán... Nhờ các chị em ủng hộ nên việc mua bán của tôi ngày càng thuận lợi và có tiền lo cho con ăn học”.

Với nỗ lực của bản thân cùng sự động viên, hỗ trợ tích cực của Hội LHPN thị trấn, chị Hoa chuyển sang sản xuất kinh doanh khô cá lóc đồng, cá sặc... Hội LHPN thị trấn Lấp Vò cũng đã giới thiệu cho chị tham gia lớp tập huấn sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp và hướng dẫn chị đăng ký giấy phép kinh doanh; tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trên địa bàn... Hiện tại, mỗi ngày chị làm khoảng 100kg cá lóc đồng, để có được sản phẩm khô đạt chất lượng, chị Hoa đích thân chọn lựa những con cá còn tươi, mang về làm sạch, tẩm ướp, phơi khô và bảo quản cẩn thận, đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ cách làm trên, sản phẩm khô cá lóc “Cô Hoa” ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ bán lẻ cho người dân tại địa phương hay TP.Cao Lãnh, hiện nay khô lá lóc đồng của chị Hoa còn được khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Đắc Lắc,... đặt hàng. Doanh thu trên 50 triệu đồng/năm, 2 mẹ con chị giờ đã có cuộc sống ổn định, mua được đất, cất được căn nhà khang trang. Không dừng lại ở đó, chị Hoa luôn nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mày mò cải tiến bao bì sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu khô cá lóc đồng “Cô Hoa”... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...

Chị Nguyễn Kim Hà - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lấp Vò cho biết: “Điều đáng quý ở chị Hoa chính là sự cần cù, chịu khó, từ hai bàn tay trắng nhưng với sự cần cù, sau hơn 10 năm vất vả kinh doanh, đến nay, chị Hoa đã chứng minh được tính hiệu quả của việc mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách bền vững. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chị em khác. Ngoài công việc của gia đình, chị còn tham gia tích cực các phong trào, hoạt động tại địa phương và trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó của hội viên phụ nữ thị trấn Lấp Vò".

Cũng từng ở cảnh nghèo “rớt mồng tơi”, nợ nần chồng chất nhưng chị Lý Thị Ánh Hồng (SN 1985) ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng không nản lòng mà quyết chí vươn lên. Chị siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu nên kinh tế gia đình dần cải thiện và hiện nay đã thoát nghèo.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Hồng ra riêng với tài sản quý nhất là căn nhà lá nhỏ. Không có đất canh tác, vợ chồng chị làm thuê để kiếm sống, thời gian rảnh, chị Hồng làm bánh tráng bán thêm. Năm 2005, chị phát hiện mình bị bướu cường giáp, sức khỏe suy giảm phải đi điều trị tốn kém. Cũng trong năm đó, chồng của chị - anh Phan Thanh Hòa bị bệnh phải phẫu thuật, vết thương của anh Hòa bị nhiễm trùng nặng, cuộc sống túng thiếu lại càng túng thiếu hơn.


Chị Lý Thị Ánh Hồng có thu nhập ổn định với nghề làm bánh tráng

Chị Hồng tâm sự: “Vừa không có sức khỏe đi làm thuê kiếm miếng ăn, vừa tốn một khoản tiền lớn để điều trị bệnh. Thật sự lúc ấy, gia đình tôi rơi vào cảnh cùng cực, nợ nần chồng chất, có khi tôi nghĩ quẩn, tuyệt vọng. Cũng nhờ có sự động viên của người thân, láng giềng và chị em trong chi hội phụ nữ ấp, tôi nhất quyết không đầu hàng số phận”.

Được người thân giúp đỡ ít tiền trang trải nợ nần, điều trị bệnh, sức khỏe dần bình phục, chị Hồng và chồng tiếp tục đi làm thuê. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị Hồng được vay 10 triệu đồng, cộng với tiền tích góp mấy năm qua, gia đình chị mua 2 con bò về nuôi. 2 con bò mẹ sinh sản tổng cộng 6 con bê, chị bán 4 con được gần 40 triệu đồng.

Ngoài chăn nuôi, chị Hồng còn có thêm nghề làm bánh tráng. Bánh của chị có nhiều loại như bánh tráng ớt, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt... Mỗi ngày, chị tráng khoảng 20kg gạo, lời trên dưới 90 ngàn đồng. Ông Phan Văn Hùm (SN 1945) - hàng xóm của chị Hồng cho biết: “Vợ chồng cháu Hồng sống có nghĩa có tình, siêng năng lao động, làm việc quần quật quanh năm nên bà con láng giềng rất thương, quý mến”.

Chị Hồng chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng vươn lên, nỗ lực làm việc, tiết kiệm chi tiêu; cuộc sống kinh tế gia đình tôi chưa giàu có nhưng đỡ hơn trước rất nhiều, có dư chút vốn và đã được công nhận thoát nghèo”. Hiện anh Hòa vẫn siêng năng đi làm thuê, chị Hồng ở nhà làm bánh tráng, quán xuyến gia đình và chăm sóc 3 đứa con. Gia đình chị hạnh phúc, các con đều chăm ngoan, học giỏi. Chị còn tham gia nhiều phong trào phụ nữ ở địa phương, nhất là thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”. Đồng chí Lâm Ngọc Trinh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hồng cho biết: Vợ chồng chị Hồng rất chí thú làm ăn và có ý thức tiết kiệm. Nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo của chị Hồng là tấm gương sáng cho nhiều chị em.

KIM NGÂN - N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn