Hạnh phúc bắt đầu từ giá trị cân bằng và hài hòa
Cập nhật ngày: 21/03/2014 04:08:33
Liên Hiệp quốc chọn ngày 20/3 hằng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đây là ngày mang ý nghĩa rất đặc biệt trong năm, bao gồm hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp... Nhiều người cho rằng hạnh phúc bắt đầu từ giá trị cân bằng và hài hòa.
Trong xã hội, nếu mọi mâu thuẫn, bất đồng giữa người với người được giải quyết bằng quy luật cân bằng, thái độ ôn hòa, hòa bình, thì tất yếu dẫn đến kết quả tốt đẹp. Trong gia đình, nếu mỗi thành viên biết ứng xử đúng mực, không lệch chuẩn các giá trị đạo đức, tôn trọng và giải quyết tốt các mối quan hệ thì gia đình sẽ mãi mãi hạnh phúc.
Chúng ta thử điểm qua thực trạng tâm lý của các mối quan hệ trong gia đình để có thể tìm ra những giải pháp thích hợp.
Quan hệ vợ - chồng: thường thể hiện trên các mặt kinh tế, quyền lực, tâm lý tình cảm. Về kinh tế và quyền lực, phần lớn được cân bằng, hài hòa do tác động của Luật bình đẳng giới. Cá biệt có trường hợp chưa đạt yêu cầu do một bên vợ (hoặc chồng) làm ra nhiều tài sản, của cải hơn, nên tỏ ra lấn lướt về quyền lực. Về mặt tâm lý, tình cảm thời yêu đương thì mặn nồng, cháy bỏng, nhưng khi đã kết hôn thì thường hay lắng đọng, dễ làm phát sinh mâu thuẫn và bạo lực gia đình.
Quan hệ cha, mẹ - con cái: thường thể hiện mong muốn chọn giới tính cho con, quan tâm chăm sóc, giáo dục, chuyển giao thừa kế cho con. Về giới tính ở con, đa số người dân mong mỏi “có nếp có tẻ” cho hài hòa. Tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường ngày nay đã phôi pha do nhận thức tiến bộ về bình đăng giới. Việc chăm sóc, quan tâm đến con cái là nghĩa vụ, đồng thời là quyền thiêng liêng, nguồn hạnh phúc của vợ chồng. Tuy nhiên, do đặc điểm nghề nghiệp nên giữa vợ, chồng có sự phân công trong việc quan tâm, chăm sóc con cái. Vấn đề thừa kế tài sản, ngày nay con trai, con gái đều được nhận thừa kế tài sản của cha, mẹ do tác động của luật bình đẳng giới. Về cấp dưỡng cho con chưa trưởng thành hoặc bị khuyết tật sau ly hôn thường là gánh nặng cho các bà mẹ. Các ông cha phần lớn phó thác cho người mẹ, không chấp hành quyết định hoặc bản án của tòa tuyên. Trường hợp ly dị không ra tòa thì hậu quả này còn tệ hại hơn...
Quan hệ ông, bà - cháu: ông bà luôn là “cây cao bóng cả”, tấm gương tốt cho con cháu noi theo, truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm sống cho con cháu. Khi đến tuổi không lao động được nữa thì trông chờ vào con cháu nuôi dưỡng, nếu không có người phụng dưỡng thì các tổ chức xã hội đảm nhiệm... Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, con cháu chăm sóc, phụng dưỡng ông bà là tốt nhất, hạnh phúc nhất, mặc dù Luật Người cao tuổi xác định nhà nước và xã hội vẫn có trách nhiệm này. Thực tế, gia đình nhiều thế hệ bị giảm dần qua từng năm cho thấy xu thế chăm sóc người cao tuổi thuộc về xã hội ngày càng phát triển.
Quan hệ anh, chị - em: như thể tay chân, chị ngã em nâng... Tuy nhiên, ở giai đoạn trưởng thành, quan hệ anh, chị em có nhiều biến đổi, tính huyết thống có phần bị phôi pha bởi có nhiều yếu tố chi phối.
Người xưa nói “mỗi người mỗi kiểu, mỗi nhà mỗi cảnh” do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội quyết định việc hình thành, phát triển nhân cách con người. Do vậy, việc thể hiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình của mỗi nhà mỗi khác. Tuy nhiên, có một điểm chung là giá trị cân bằng, hài hòa là điều mong ước của mọi người và ai cũng muốn biến nó thành hiện thực. Từ gia đình đến xã hội, quốc gia, quốc tế, nếu mọi người đều ứng xử với nhau trên nền tảng giá trị cân bằng, hài hòa thì thế giới nầy sẽ mãi mãi hạnh phúc.
Huỳnh Văn Bé