Hiệu quả công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật ngày: 12/03/2022 15:02:41

ĐTO - Tại huyện Cao Lãnh, công tác quản lý, giám sát, thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) góp phần hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo sức khỏe, phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm.


Các cơ sở sản xuất tại huyện Cao Lãnh chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm

Quan tâm đến công tác triển khai, thực hiện, giám sát ATVSTP, từ cấp huyện đến cấp xã đều thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh ATTP. Mỗi năm, các đơn vị thành viên BCĐ xây dựng kế hoạch gắn với các văn bản chỉ đạo của cấp trên để triển khai thực hiện công tác; tổ chức hội nghị, triển khai, đánh giá, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; phối hợp cụ thể hóa và đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực ATTP đến với người dân, thành viên, tổ viên, hội viên...

Công tác tập huấn chuyên môn và truyền thông về ATTP được BCĐ liên ngành cấp huyện, xã, thị trấn cử thành viên, lực lượng làm nhiệm vụ tham gia, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền như treo băng ron, áp phích, phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền trực tiếp tại các chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh... để người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận các thông tin. Ngoài ra, phối hợp tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ, các văn bản pháp luật ATTP, tọa đàm, biên soạn, cập nhật thông tin, phát trên hệ thống phát thanh tại địa phương... Trong năm 2021, chủ đề liên quan đến ATTP được phát trên loa đài hơn 728 lượt...

Bên cạnh công tác tập trung đảm bảo ATTP trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, thức ăn đường phố, thành viên BCĐ liên ngành cấp huyện còn quan tâm, phối hợp, chú trọng công tác quản lý ATTP trên lĩnh vực nông nghiệp. Với các giải pháp cụ thể như phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra định kỳ ATVSTP tại các xã... Tổ chức thực hiện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên nông sản các loại như: ổi, cam sành, quýt, thanh long, dưa leo, hành, khổ qua, bầu, mướp... Sau kiểm tra, có các biện pháp hỗ trợ, phối hợp xử lý theo quy định.

Để hoàn thiện các thủ tục về ATTP theo quy định, các đơn vị thành viên BCĐ đã hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các thủ tục công bố chất lượng sản phẩm trên thị trường đối với các sản phẩm chanh tươi không hạt, gạo lứt đen, xoài cát chu, xoài cát, chuối sấy, mít sấy... Phối hợp Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị sản xuất đảm bảo điều kiện ATVSTP. Các hoạt động hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, mở rộng, phát triển quy trình sản xuất. Trong công tác giám sát và kiểm tra chấp hành pháp luật về ATTP, BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP tăng cường triển khai, thực hiện từ cấp huyện đến cơ sở. Qua đó, các đơn vị thành viên tổ chức kiểm tra 26 lượt, đã kiểm tra hơn 1.200 cơ sở kinh doanh thực phẩm, đối với các trường hợp vi phạm tiến hành xử lý và nhắc nhở kịp thời. Ngoài ra, các Đoàn kiểm tra liên ngành huyện còn phối hợp kiểm tra cơ sở trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó, đã tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

Từ những giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, trong năm 2021, trên địa bàn huyện Cao Lãnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định, nâng cao ý thức hoàn thiện sản phẩm, lựa chọn sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quy định khi phân phối ra thị trường. Trong năm 2022, BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP, các đơn vị thành viên phối hợp tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, tuyên truyền, vận động và giám sát đảm bảo VSATTP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm và tạo chuyển biến của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh sử dụng thực phẩm an toàn. Tổ chức tập huấn về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh thức ăn đường phố... góp phần trang bị kiến thức, hoàn thành các thủ tục cần thiết giúp cơ sở có sản phẩm, thực phẩm có chất lượng được công nhận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

L.Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn