Tăng cường công tác tư vấn, kết nối đào tạo nghề, đào tạo nghề theo địa chỉ

Cập nhật ngày: 10/03/2022 03:43:06

ĐTO - Tập trung thực hiện công tác tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trong đó có đào tạo nghề theo địa chỉ, trong tháng 2/2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai đến các đơn vị trực thuộc những giải pháp cụ thể như triển khai công tác tuyên truyền, tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với các công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn. Tiếp tục tăng cường phối hợp với công ty, doanh nghiệp đào tạo lý thuyết, thực hành, gắn kết với nhu cầu tuyển dụng sau khi học viên, học sinh, sinh viên (HS, SV) hoàn thành thời gian đào tạo.


Học viên tham gia học nghề theo địa chỉ được tuyển dụng ngay khi hoàn thành chương trình học

Sở LĐ-TB&XH triển khai kế hoạch và công tác phối hợp tuyên truyền các chỉ tiêu đào tạo nghề theo địa chỉ trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm (GDVL), tại các đơn vị trường, khu công nghiệp, huyện, thành phố trong tỉnh. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền các thông tin về nhu cầu đào tạo nghề, đào tạo nghề theo địa chỉ đến các hội viên, thành viên, hội viên tại địa phương.

 Ngoài ra, đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, các chính sách đào tạo nghề theo địa chỉ cũng được các đơn vị trường, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố duy trì ổn định thường xuyên. Hình thức đào tạo nghề theo địa chỉ giúp học viên, người dân tiết kiệm được thời gian học nghề, sau khi hoàn thành khóa học, được kết nối, giới thiệu, nhận gia công sản phẩm tại các cơ sở trong và ngoài địa phương, đảm bảo có việc làm, thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Với cách làm này, trong năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%; đối với đào tạo lao động theo địa chỉ đặt hàng của doanh nghiệp, chủ yếu các nghề như chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp... sau đào tạo 100% người lao động được bố trí vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp, cơ sở gia công sản phẩm tại địa phương...

Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, các đơn vị trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh cũng tập trung thực hiện giải pháp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đặt hàng đào tạo... Trong tháng 1/2022, Sở LĐ-TB&XH tham gia cùng các sở, ngành tỉnh đến gặp gỡ đại diện các công ty, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh, qua tiếp xúc, gặp gỡ đã ghi nhận các thông tin liên quan đến nhu cầu lao động phổ thông, lao động qua đào tạo tại công ty, doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương.

Trong các phiên GDVL định kỳ, vệ tinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp đều mời các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển lao động, cần đặt hàng, phối hợp đào tạo tham gia gặp gỡ, trao đổi trực tiếp người lao động, HS, SV. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành ký kết các biên bản ghi nhớ phối hợp về công tác tuyên truyền trên lĩnh vực đào tạo, giải quyết việc làm. Trong đó có các nhóm ngành, nghề thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da... Trong tháng 2/2022, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã tổ chức phiên GDVL tại khu công nghiệp huyện Thanh Bình. Người lao động tham gia phiên GDVL đăng ký nhu cầu tìm việc làm và được hướng dẫn tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo theo địa chỉ phù hợp với nhu cầu của công ty, doanh nghiệp tuyển dụng. Trung tâm DVVL Đồng Tháp, các đơn vị trường cao đẳng, trung cấp phối hợp với các công ty, nghiệp đoàn tham gia đào tạo theo địa chỉ, đơn vị tuyển dụng có sự thỏa thuận. Cụ thể, sau thời gian học viên hoàn thành học lý thuyết sẽ tham gia thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp, công ty tiếp cận trên hệ thống máy, thiết bị vận hành. Sau thời gian thực hành, sau khi học viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng vào làm việc.

Trong tháng 3/2022, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập đoàn công tác đến các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự... để gặp gỡ các doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời tổ chức gặp gỡ các đơn vị trường trung cấp, cao đẳng, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố để ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm theo địa chỉ. Đối với hệ cao đẳng, trung cấp trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận và làm việc với các đơn vị đào tạo có chức năng tuyển sinh và kết nối với đơn vị tuyển dụng lao động đặt hàng đào tạo theo địa chỉ đối với các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật chất lượng cao thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng... Qua đó, các doanh nghiệp, nghiệp đoàn công ty đã đặt hàng hơn 500 chỉ tiêu đào tạo người lao động, thực tập sinh làm việc trong, ngoài tỉnh và làm việc tại Nhật Bản. Thực hiện việc kết nối, phối hợp với các công ty, nghiệp đoàn trong, ngoài tỉnh và ngoài nước, các đơn vị Trường Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Y tế cũng chủ động kết nối với các đơn vị, công ty, nghiệp đoàn đào tạo theo địa chỉ. Mỗi năm, các đơn vị tiếp nhận hơn 200 chỉ tiêu đặt hàng đào tạo theo địa chỉ dành cho HS, SV của trường sau khi tốt nghiệp, đảm bảo tỷ lệ HS, SV ra trường có việc làm theo nhu cầu đặt hàng trên 90%.

Có thể nói, giải pháp đào tạo nghề, đặt hàng theo địa chỉ là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực đối với đơn vị đào tạo, công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn và người lao động. Qua đó, đảm bảo giải quyết 100% việc làm cho HS, SV, người lao động theo thỏa thuận bước đầu, thông qua cơ chế phối hợp đội ngũ giảng viên, HS, SV được tiếp cận với quá trình thực hành trên dây chuyền sản xuất, từ đó có thể điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với thực tế. Mặt khác, HS, SV thuộc các lớp đào tạo theo địa chỉ sẽ làm quen và thuần thục với quá trình vận hành của thiết bị, có thể bắt nhịp ngay khi chính thức được nhận vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn