Hiệu quả công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng

Cập nhật ngày: 25/03/2022 10:10:45

ĐTO - Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” (gọi tắt là mô hình). Qua thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp đỡ nhiều người nghiện ma túy (MT) tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện trên địa bàn tỉnh.


Anh N. H. L. được giúp đỡ, hỗ trợ vốn vay ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng

Hàng năm, triển khai thực hiện mô hình, Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện gắn với công tác phòng, chống MT tại địa bàn. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với các đơn vị tiến hành tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tham gia thực hiện mô hình. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn chính sách quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng đến với các gia đình có người nghiện tại các địa phương....

UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cụ thể hóa mô hình phù hợp tình hình của địa phương. Xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh) là một trong những đơn vị được chọn thực hiện điểm mô hình của tỉnh. Công an xã tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình; thành lập Tổ công tác cai nghiện MT của xã và phân công trách nhiệm cho các thành viên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của mô hình. Cụ thể, Công an xã chủ trì, phối hợp các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và tổ chức chính trị - xã hội rà soát người sử dụng MT; đề ra các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng tại cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, Công an xã phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát đưa vào quản lý 9 người nghiện, thường xuyên gặp gỡ, động viên đối tượng từ bỏ MT; tư vấn giới thiệu việc làm, xem xét các nguồn vay vốn giúp các đối tượng từng bước thay đổi hành vi, phát triển sản xuất và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Điển hình như trường hợp N. H. L. ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, trước đây L. từng sử dụng MT. Sau khi được các thành viên Tổ công tác cai nghiện MT của xã nhiều lần vận động và giới thiệu vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng”, L. có thêm động lực từ bỏ MT. Đến nay, L. đã từ bỏ MT, chí thú làm ăn, mở được cơ sở kinh doanh hoa kiểng với lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng...

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến tháng 3/2022, có 127/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình, trực tiếp quản lý 1.619 người nghiện MT tại cộng đồng. Với những giải pháp triển khai hiệu quả từ mô hình, qua những lần kiểm tra, hiện nay, có 427/1.619 đối tượng nghiện MT có chuyển biến tốt, kiểm tra nhiều lần không dương tính với MT (chiếm hơn 26%); trong đó, có 52 người được giới thiệu việc làm; 25 người được vay vốn từ “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” với số tiền 875 triệu đồng để phát triển kinh tế...

Tiếp tục mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn MT, trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thành phố rà soát, thống kê người sử dụng MT tại cộng đồng để đưa vào diện quản lý, giáo dục và giúp đỡ. Tăng cường công tác tư vấn và trợ giúp người sau cai nghiện; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giới thiệu việc làm... tạo điều kiện cho đối tượng từ bỏ MT ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn