Hiệu quả của hoạt động dạy nghề theo địa chỉ

Cập nhật ngày: 15/06/2012 07:58:54

Đào tạo nghề theo địa chỉ là hình thức phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện cho người học vừa học lý thuyết vừa áp dụng thực hành tại doanh nghiệp, sau khóa học, học viên có việc làm ngay. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, yên tâm với nguồn lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động.


Giao lưu và tuyển dụng giữa sinh viên và doanh nghiệp
tại Trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp

Dạy nghề theo địa chỉ được triển khai thực hiện từ năm 2006 đến nay. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin về hoạt động này, mỗi năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã giao cho các phòng liên quan thực tế ghi nhận nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các trường, các trung tâm dạy nghề lên kế hoạch đào tạo. Tính đến năm 2011, có 10.248 công nhân được đào tạo nghề theo địa chỉ. Theo Phòng quản lý Đào tạo nghề Sở LĐ-TBXH nhu cầu doanh nghiệp đăng ký tham gia đào tạo nghề theo địa chỉ ngày càng tăng.

Trong năm 2012, có 6 Công ty đăng ký đào tạo nghề chế biến thủy sản với 5.600 công nhân và được Sở LĐ-TBXH thống nhất phân bổ đợt 1 là 3.700 chỉ tiêu; gồm Cty Cổ phần Vạn ý 500, Cty TNHH Hùng Cá 300, Cty CP Vĩnh Hoàn 1.000, Cty CP Chế biến và XNK Thủy sản CaDoViMex II 300, Cty CP Thủy sản Á Châu 1.000, Cty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) 600). Tính từ đầu năm đến nay (ngày 6-6-2012), có 3 doanh nghiệp (Cty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia, Cty CP Vĩnh Hoàn, Cty CP Thủy sản Á Châu) tổ chức khai giảng với tổng số 1.185 công nhân. Chia sẻ cùng doanh nghiệp về chi phí đào tạo, UBND tỉnh có quy định đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn nông thôn (thuộc xã) ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80% chi phí đào tạo cho công nhân; doanh nghiệp đóng góp 20%. Đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành thị (thuộc phường, thị trấn trong tỉnh) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 75% chi phí đào tạo cho công nhân; doanh nghiệp đóng góp 25%.

Với lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng sự ủng hộ của các cấp các ngành, nhất là những chính sách đào tạo lao động phục vụ cho nhu cầu phát triển doanh nghiệp dạy nghề theo địa chỉ sẽ giải quyết tốt việc làm cho lao động tại địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng lao động tại doanh nghiệp.

Viết Nhiều

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn