Hiệu quả mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em

Cập nhật ngày: 04/03/2020 15:26:59

ĐTO - Mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em (TE) được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND TP.Sa Đéc, Phòng LĐ-TB&XH TP.Sa Đéc triển khai, thực hiện từ năm 2018 đến nay. Mô hình nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, sự tham gia của người dân, góp phần chuyển biến tích cực về nhận thức, sự tham gia của cộng đồng đối với việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng TE lao động, TE có nguy cơ và TE lao động trái quy định của pháp luật.


Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em và Trại hè “Ước mơ hồng” do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức

Năm 2018 và năm 2019, Sở LĐ- TB&XH đã ban hành các Kế hoạch về việc hướng dẫn triển khai mô hình “Hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động TE”, đồng thời chọn xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc để thực hiện. Đối tượng thụ hưởng của mô hình là cha mẹ, người nuôi dưỡng TE và TE có hoàn cảnh đặc biệt, TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, phải nghỉ học lao động sớm; hệ thống bảo vệ TE cấp huyện, cấp xã và chủ cơ sở có sử dụng lao động TE. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hội thảo triển khai thực hiện mô hình cho Ban điều hành bảo vệ TE TP.Sa Đéc, Trưởng Ban bảo vệ TE các xã, phường thuộc TP.Sa Đéc, Ban bảo vệ TE và nhân viên y tế khóm, ấp. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức tập huấn cho Ban điều hành bảo vệ TE TP.Sa Đéc, Ban bảo vệ TE xã Tân Phú Đông, cộng tác viên về việc hướng dẫn triển khai mô hình tại địa phương; phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, lao động TE, TE có nguy cơ và TE lao động trái quy định của pháp luật. Năm 2019, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng tác viên công tác xã hội, công chức LĐ-TB&XH, giáo viên tại các trường Tiểu học và THCS, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên y tế ấp làm nhiệm vụ bảo vệ TE có 35 người tham dự.

Cùng với công tác tập huấn, Phòng LĐ-TB&XH TP.Sa Đéc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng đối với việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng TE lao động, TE có nguy cơ và TE lao động trái quy định của pháp luật trong địa bàn thành phố. Đồng thời tổ chức 4 lớp tập huấn cho 174 cha mẹ, người nuôi dưỡng TE một số quy định cơ bản về pháp luật bảo vệ TE; những nguyên nhân, hậu quả lao động TE; chính sách trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vấn đề sử dụng lao động TE trái pháp luật, lạm dụng, bóc lột TE lao động tại địa phương. Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH TP.Sa Đéc tổ chức 4 lớp tập huấn cho 211 TE có nguy cơ và TE phải nghỉ học lao động sớm về những cảnh báo, nguy cơ bị xâm hại, bóc lột khi tham gia lao động; cung cấp kỹ năng, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân (năm 2018 tổ chức 1 lớp có 111 trẻ dự; năm 2019 tổ chức 2 lớp có 100 trẻ dự). Qua đó đã vận động 50 hộ gia đình ký cam kết không để TE tham gia lao động trái với quy định của pháp luật.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng UBND xã áp dụng chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tổ chức truyền thông nhóm với 150 người dự, đồng thời vãng gia tham vấn, tư vấn trực tiếp đến 50 hộ gia đình và bản thân TE đang lao động kiếm sống để nhận thức được tác hại của việc TE phải lao động sớm. Ban điều hành bảo vệ TE TP.Sa Đéc, Ban bảo vệ TE xã Tân Phú Đông, cộng tác viên trực tiếp đến vận động và trợ giúp các gia đình cam kết không để TE tham gia các hình thức lao động trái quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các em học văn hóa, tư vấn hướng nghiệp, các hình thức học nghề phù hợp, kết nối cho các em tiếp cận các phúc lợi xã hội khác để ổn định cuộc sống. 90% TE tham gia lao động, TE có nguy cơ lao động được tập huấn kỹ năng và pháp luật bảo vệ TE; số hộ gia đình có nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh được tư vấn, tuyên truyền về pháp luật bảo vệ TE thông qua hệ thống truyền thanh. Tạo điều kiện cho các em nói lên suy nghĩ của bản thân để cha mẹ, người chăm sóc trẻ có cách thức nuôi dạy con tốt hơn thông qua các buổi tập huấn. Kịp thời phát hiện, giúp đỡ những trường hợp TE có nguy cơ bỏ học nhằm góp phần làm hạn chế tình trạng lao động TE tại địa phương.

Trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ, duy trì hoạt động mô hình tại xã điểm trong công tác truyền thông tư vấn, truyền thông cộng đồng, trợ cấp khó khăn khẩn cấp, dạy nghề cho TE có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt phải nghỉ học tham gia lao động sớm. Đội ngũ cộng tác viên tăng cường công tác vãng gia, tư vấn, tham vấn, cập nhật danh sách quản lý TE. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng thực hiện mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động TE với nhiều hình thức thiết thực...

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn