Một số quy định mới có hiệu lực vào tháng 3/2020

Cập nhật ngày: 02/03/2020 10:16:04

Trong tháng 3 này, có nhiều quy định mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chính thức được áp dụng.

* Quy định các nội dung liên quan đến văn bằng

 Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.

Trong đó, quy định các nội dung chính ghi trên văn bằng như tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương); ngành đào tạo; tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng; họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng... Trong phụ lục văn bằng có thêm ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo; thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có); thông tin kết nối với văn bằng như mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; số hiệu văn bằng...

* Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Nghị định 14 ngày 24/1/2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Để được hưởng trợ cấp, giáo viên phải có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính như sau: Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp. Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 1/1/2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Những người thân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

* Buộc thôi việc khi giả mạo hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính

Buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.

Theo đó, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020; riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

* Hướng dẫn quy trình lựa chọn sách giáo khoa

Thông tư 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

Theo đó, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình cụ thể. Trong đó, tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách; giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học; tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn