Hiệu quả mô hình “Phòng điều tra thân thiện”

Cập nhật ngày: 25/12/2020 09:47:34

ĐTO - Phòng Điều tra thân thiện (ĐTTT) được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh Đồng Tháp triển khai xây dựng vào ngày 9/10/2006 theo chỉ đạo của Cục CSHS (Bộ Công an), thông qua sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Unicef tại Việt Nam. Đến ngày 28/12/2006, chính thức được sử dụng trong hoạt động phỏng vấn, lấy lời khai thân thiện đối với trẻ em (TE) là nạn nhân, nhân chứng các vụ việc liên quan đến pháp luật; TE có hành vi vi phạm pháp luật.


Phòng Điều tra thân thiện tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Đồng Tháp) được trang trí, lắp đặt các dụng cụ, trò chơi tạo cho trẻ em cảm giác gần gũi, thân thiện

Theo Phòng CSHS, Phòng ĐTTT được xây dựng khang trang, sạch đẹp, được trang trí, lắp đặt các dụng cụ, trò chơi tạo cho TE cảm giác gần gũi, thân thiện hơn với lực lượng làm nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Phòng CSHS cho biết thêm: “Trong lúc giải lao, các em được xem phim, đọc truyện và sử dụng những trò chơi có sẵn trong phòng. Bên cạnh đó, việc lấy lời khai cơ quan đều có ghi âm, ghi hình để đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử, được lưu trữ theo chế độ mật. Các cuộc lấy lời khai đều đảm bảo đúng thành phần theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (có gia đình nạn nhân, đại diện cơ quan tổ chức xã hội,...). Đồng thời, điều tra viên khi sử dụng Phòng ĐTTT đều đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng lấy lời khai thân thiện với TE nên có kiến thức, kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao”.

Qua thời gian đưa vào sử dụng, Phòng ĐTTT với các thiết bị chuyên dùng đã phục vụ hiệu quả cho công tác phỏng vấn, ĐTTT, đặc biệt đối với TE. Trước những kết quả đó, Cục CSHS phối hợp Tổ chức Unicef tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Công an tỉnh Đồng Tháp lắp đặt thêm 3 Phòng ĐTTT tại trụ sở Công an TX.Hồng Ngự (nay là TP.Hồng Ngự) và Công an huyện Lai Vung (hoàn thành năm 2011); tại trụ sở Công an huyện Châu Thành (vừa hoàn thành trong tháng 12/2020).

Với những điểm đặc trưng riêng, buổi phỏng vấn, lấy lời khai tại Phòng ĐTTT diễn ra cởi mở và đạt hiệu quả cao, góp phần điều tra xử lý các vụ việc được nhanh chóng. Đặc biệt, nhiều vụ việc với những tình tiết phức tạp, khúc mắc từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra những đường lối xử lý đúng đắn, sớm kết thúc vụ án. Đồng thời tạo được sự thoải mái, đồng tình từ phía cha, mẹ và người đại diện hợp pháp của TE.

Qua hơn 13 năm đưa vào sử dụng, Phòng ĐTTT và các thiết bị chuyên dùng đã phục vụ rất hiệu quả và thật sự cần thiết cho công tác ĐTTT đối với TE. Theo báo cáo của Phòng CSHS, trung bình mỗi năm có khoảng 64 lượt TE được phỏng vấn tại 3 phòng này. Ngoài bố trí phỏng vấn TE, các đơn vị còn tận dụng Phòng ĐTTT vào việc điều tra các vụ án khác, các vụ án phức tạp có liên quan đến TE để lấy lời khai. Hàng năm, Phòng ĐTTT tại 3 địa điểm nêu trên thực hiện khoảng 45 lượt lấy lời khai các vụ việc có liên quan đến TE. Việc sử dụng Phòng ĐTTT còn thúc đẩy sự hợp tác của TE với cơ quan điều tra, góp phần nâng tỷ lệ điều tra thành công các vụ việc có liên quan đến TE từ 75% (năm 2006) lên 91% (năm 2020).

Phát huy hiệu quả hoạt động của Phòng ĐTTT, Trung tá Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Phòng CSHS cho biết: “Thời gian tới, Phòng CSHS tham mưu Công an tỉnh đề nghị Cục CSHS, Tổ chức Unicef Việt Nam tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị cần thiết để phục vụ tốt cho công tác ĐTTT với TE. Đồng thời nhân rộng mô hình cho các địa phương còn lại để việc phỏng vấn, lấy lời khai với TE được thuận lợi, đảm bảo thực hiện tốt quyền TE, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra tội phạm xâm hại TE, người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh... ”.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn