Hiệu quả tích cực từ 2 mô hình phòng cháy, chữa cháy

Cập nhật ngày: 09/04/2023 16:01:15

ĐTO - Phát huy hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ngay từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”, thời gian gần đây, lực lượng PCCC - Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”.

Qua gần 1 năm đi vào hoạt động, 2 mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình khi xảy ra cháy nổ. Đến nay, toàn tỉnh có 217 Tổ liên gia an toàn PCCC, 102 Điểm chữa cháy công cộng. Riêng huyện Cao Lãnh đã tập trung xây dựng được 15 Tổ liên gia an toàn PCCC và 7 Điểm chữa cháy công cộng.


“Điểm chữa cháy công cộng” tại cụm dân cư xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy

Nâng cao ý thức PCCC trong Nhân dân

“Tổ liên gia an toàn PCCC” là mô hình được thành lập bởi 5-15 hộ dân liền kề nhau (bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh). Theo đó, mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...). Khi xảy ra cháy, người dân chỉ cần bấm chuông, hệ thống kích hoạt phòng cháy sẽ thông báo cho các nhà còn lại biết để hỗ trợ kịp thời.

Mô hình này được thí điểm tại 6 hộ kinh doanh thuộc tổ 7, chợ Phương Trà, huyện Cao Lãnh. Theo ông Đặng Thanh Tồng - Tổ trưởng “Tổ liên gia an toàn PCCC” xã Phương Trà chia sẻ, tháng 8/2022, sau khi được UBND xã vận động thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, nhận thấy đây là mô hình hiệu quả nên ông và 5 hộ trong chợ cùng cam kết thực hiện. “Tham gia mô hình, ngoài  việc cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, các thành viên tổ liên gia còn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức PCCC, từ đó nâng cao kỹ năng phòng cháy, thoát nạn trong Nhân dân đạt hiệu quả”, ông Tồng cho biết.


Thành viên “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”  chợ Phương Trà sẽ gõ kẻng báo động khi có sự cố về cháy nổ

Anh Huỳnh Văn Nên - hộ kinh doanh gas và bán tạp hóa tại chợ Phương Trà, thành viên “Tổ liên gia an toàn PCCC” xã Phương Trà chia sẻ, trước đây, gia đình chủ yếu tự thực hiện các biện pháp PCCC theo cách hiểu của cá nhân... Tuy nhiên, từ khi tham gia mô hình, thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, gia đình ý thức được trách nhiệm trong công tác PCCC. Hiện nay, gia đình đã trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy tại chỗ và cố gắng sắp xếp các thiết bị tại quán đảm bảo an toàn về cháy nổ. Ngoài ra, tôi còn nắm vững các kỹ năng cơ bản xử lý những tình huống khi xảy ra cháy nổ, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại gây ra.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Đang - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trà cho biết, qua quá trình hoạt động nhận thấy mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC. Với những tín hiệu tích cực từ mô hình, địa phương sẽ chỉ đạo đơn vị Công an cấp xã phối hợp với đơn vị Công an cấp trên nhân rộng mô hình này ở tất cả các tổ trong khu vực chợ và các khu vực đông dân cư trên địa bàn, nhằm hướng dẫn các hộ dân nắm được các kỹ năng về PCCC, từ đó cùng chung tay thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.


Thành viên “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” chợ Phương Trà, huyện Cao Lãnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu vực tổ quản lý

Góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy nổ

Cùng với “Tổ liên gia an toàn PCCC”, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu vực đông dân cư cũng được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác PCCC. Mô hình này đặt tại Ban nhân dân ấp, phương tiện được bố trí tại điểm chữa cháy gồm: 2 bình bột chữa cháy, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ, xà beng, kìm cộng lực. Tổ có nhiệm vụ phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư.

Tại “Điểm chữa cháy công cộng” cụm dân cư xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, ngoài trang bị các phương tiện phòng cháy theo quy định, ông Trần Văn Đỏ - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Hàng Tây, kiêm quản lý “Điểm chữa cháy công cộng” còn chủ động vận động người dân tại cụm dân cư đóng góp mua xe chữa cháy lưu động (dung tích 1.000 lít nước) để thực hiện công tác PCCC. Theo ông Đỏ, thời gian qua cũng có một số vụ cháy nhỏ tại cụm dân cư nhưng nhờ có phương tiện xe chữa cháy lưu động và tinh thần đề cao cảnh giác, báo động của người dân nên không gây ra thiệt hại về tài sản. “Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục tuyên truyền đến người dân ở cụm dân cư và chợ Bình Hàng Tây quan tâm đến công tác PCCC, chúng tôi tiếp tục vận động người dân trang bị bình chữa cháy tại nhà, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn các kỹ năng PCCC, cách xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra cho người dân trong khu vực quản lý”, ông Đỏ cho biết.


Xe chữa cháy lưu động tại “Điểm chữa cháy công cộng” cụm dân cư Bình Hàng Tây mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội công tác phòng cháy,  Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Đồng Tháp), thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đến nay, tại 143 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều xây dựng ít nhất 1 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Mô hình này được triển khai và đã phát huy được ý thức chấp hành pháp luật về công tác PCCC của người dân. Theo đó, từ chỗ người dân xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC, đến nay, người dân hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này. Nhờ đó, việc thực hiện các quy định về an toàn cháy nổ trên địa bàn luôn được người dân tự ý chấp hành nghiêm.

Từ những chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, hiện lực lượng Cảnh sát PCCC trên địa bàn tỉnh đang xây dựng, nhân rộng mô hình, đặc biệt đối với các địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6/2023, tỉnh sẽ nhân rộng 400 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 400 “Điểm chữa cháy công cộng”, làm tiền đề tiến đến vận động tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh đều tự trang bị 1 bình chữa cháy và được tập huấn về công tác phòng cháy và kỹ năng thoát nạn theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 3/1/2023 của Thủ tướng chính phủ về công tác PCCC trong tình hình mới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn