Tháp Mười

Hiệu quả từ liên kết đào tạo nghề gắn với hỗ trợ vốn vay

Cập nhật ngày: 14/08/2013 06:02:31

Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Tháp Mười đã triển khai thực hiện chương trình liên kết đào tạo nghề gắn với hỗ trợ vốn vay cho người lao động tạo việc làm, mang lại hiệu quả.


Lao động tại xã Thanh Mỹ làm nghề đan lục bình

Chương trình liên kết đào tạo nghề ra đời sau khi được rút kinh nghiệm từ thực tế: người lao động sau học nghề không tìm được việc làm, thiếu vốn sản xuất bỏ nghề, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc. Đầu năm 2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện đã thực hiện khảo sát nhu cầu lao động tại các xã, thị trấn, cân nhắc, chọn lựa các lớp nghề gắn với nhu cầu của người dân địa phương, sau đó xin chủ trương Sở LĐTB&XH mở lớp. Phòng đã liên kết với Trường Trung cấp Nghề Tháp Mười, Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp nghề nông nghiệp tại các xã Mỹ An, Thanh Mỹ và Tân Kiều. Có 27 lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp được mở, trong đó có 15 lớp nghề nông nghiệp, tăng 10 lớp so với chỉ tiêu được Sở LĐTB&XH giao.

Điểm khác biệt trong việc mở lớp nghề so với trước đây là những hội viên tham gia học nghề sau khi hoàn thành khóa học sẽ thành lập các mô hình, hoặc tham gia vào các tổ liên kết, sau đó xin hỗ trợ vốn vay để tự tạo việc làm tại gia hoặc làm thuê có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Xã Thanh Mỹ đã hình thành mô hình đào tạo nghề gắn với thủ công mỹ nghệ; xã Mỹ Quý, thị trấn Mỹ An có mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây lâu năm; mô hình sản xuất lúa giống nông hộ, mô hình công nhân xây dựng tại xã Tân Kiều; mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá tại xã Mỹ An...

Ngoài tạo điều kiện cho lao động nông thôn sau học nghề tự tìm được việc làm, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, các Hội đoàn thể còn nhận ủy thác cho hội viên vay làm vốn chăn nuôi, thu mua nguyên liệu lục bình, mua sắm thiết bị dụng cụ làm nghề hồ... Trung bình mỗi hộ được vay từ 20 - 30 triệu đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay có 15 hộ sau học nghề tại các xã, thị trấn được hỗ trợ vốn vay. Đa số các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tạo việc làm cho bản thân và những người xung quanh.

Ông Võ Văn Bé Tư - Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết: “Việc dạy nghề cho người lao động, hướng người lao động vào các tổ liên kết, mô hình, hỗ trợ vốn vay tạo việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực. Đa số lao động nhận được sự hỗ trợ này đều gắn bó với nghề, mong muốn được tiếp cận những kiến thức liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Trong thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH nghiên cứu và nhân rộng ra các xã, thị trấn trong toàn huyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu các lớp nghề, giải quyết việc làm theo chỉ tiêu được giao...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn