Huyện Hồng Ngự
Sẵn sàng “đón” lũ
Cập nhật ngày: 12/08/2013 05:19:00
Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh từ tháng 7/2013 nước lũ bắt đầu lên, Hồng Ngự là huyện đầu nguồn, hàng năm thường xảy ra lũ lụt, do đó công tác chuẩn bị đón lũ được địa phương triển khai thực hiện sớm. Huyện tập trung ổn định sớm cho người dân vào ở tại các cụm, tuyến dân cư, duy trì các điểm giữ trẻ bán trú nông thôn, gia cố lại hệ thống đê bao, thoát úng, đảm bảo an toàn diện tích trồng trọt.
Tuyến giao thông kết hợp với đê bao giúp huyện Hồng Ngự yên tâm “đón” lũ
Vụ lúa thu đông năm 2013, toàn huyện Hồng Ngự xuống giống 963,68ha, trong đó có 403,68ha lúa ngoài vùng quy hoạch sản xuất vụ 3 tại 3 xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu B. Đối với diện tích lúa trong đê bao không có gì đáng ngại nhưng diện tích lúa nằm ngoài đê bao là điều đáng lo. Qua thống kê, huyện có khoảng 26ha xuống giống nằm ngoài khu vực đê bao bảo vệ có khả năng bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Dù chúng tôi đã khuyến cáo, lập biên bản đối với những hộ dân kiên quyết xuống giống ngoài vùng đê bao nhưng người dân vẫn làm. Tình hình nước lũ, thời tiết trong những ngày qua diễn biến phức tạp, chúng tôi đã vận động người dân sớm thu hoạch lúa được 50% diện tích, 50% diện tích còn lại, ước khoảng vài tuần nữa mới đến kỳ thu hoạch. Để hỗ trợ người dân tránh thiệt hại, UBND huyện đã chỉ đạo địa phương thực hiện họp dân đóng góp tiền bơm nước thoát úng nếu xảy ra tình huống xấu và gia cố tuyến đê bao...”.
Ngoài khu vực được xem là “nguy hiểm” trên, các khu vực đê bao còn lại của huyện Hồng Ngự được xếp vào diện an toàn, đây được xem là hiệu quả của việc kết hợp đê ngăn lũ với lộ giao thông được địa phương thực hiện từ năm 2011 bằng nhiều nguồn vốn. Năm 2012-2013, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ địa phương hơn 3 tỉ đồng để nâng cấp tuyến lộ giao thông kết hợp bảo vệ 2.600ha tại khu vực xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2.
Từ đầu năm đến nay, địa phương phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đến các xã tổ chức thẩm định, di dân từ vùng sạt lở vào cụm tuyến dân cư cất nhà ổn định và đã có 69 hộ di dời, tổng kinh phí hỗ trợ 690 triệu đồng.
Cùng với chương trình di dân, UBND các xã cũng thực hiện các chính sách an dân trước lũ. Tại xã Long Khánh A, 3 tuyến dân cư: Long Phước, Long Thạnh A, Nam Hang đã bố trí đất và di dời trên 400 hộ dân vào nơi ở mới, tránh xa khu vực sạt lở. Ông Phạm Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết, thời điểm này, người dân tại xã Long Khánh A không còn lo sợ chuyện sạt lở đất khi mùa lũ về, vì đã có nơi ở mới.
Mùa lũ về cũng là thời điểm vào năm học mới, nên việc bố trí các điểm đưa rước học sinh đến trường, củng cố, duy trì các nhóm trẻ cộng đồng cũng được địa phương thực hiện ngay trong tháng 6.
Trong thế “đón” lũ, huyện Hồng Ngự đã củng cố và đưa vào hoạt động các chốt cứu hộ, cứu nạn tại các điểm phức tạp, chuẩn bị cho công tác diễn tập phòng, chống lụt bão; tăng cường tuyên truyền người dân chằng néo, gia cố nhà đề phòng giông lốc với quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân; đảm bảo 100% diện tích sản xuất nông nghiệp thu hoạch ăn chắc...
C.Phương