Huy động sức dân gia cố đê bao chống lũ
Cập nhật ngày: 21/10/2013 05:39:23
Những ngày qua, nước lũ lên nhanh và diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Ngự cùng chung tay, góp sức gia cố hệ thống đê bao xung yếu, chống nguy cơ ngập úng diện tích lúa thu đông và hoa màu của người dân địa phương.
Đê bao trên địa bàn thị xã Hồng Ngự được gia cố
Thị xã Hồng Ngự có 25 khu đê bao và 4 tiểu vùng với tổng diện tích sản xuất được bảo vệ hơn 9.000ha. Riêng vụ lúa thu đông 2013, toàn thị xã có 8 ô bao sản xuất lúa (khu vực phường An Lạc, An Thạnh, An Lộc, các xã An Bình A, An Bình B và Tân Hội) với hơn 2.200 ha. Ngoài ra, thị xã Hồng Ngự còn có hơn 138ha mặt nước nuôi tôm mùa lũ, 46ha cá tra thương phẩm, 105ha nuôi cá tra giống và 209 lồng, bè...
Nguy cơ ngập úng đang bị đe dọa do nước từ thượng nguồn vẫn ngày đêm đổ về khiến mực nước lên nhanh.Vì vậy, gia cố đê bao và các trạm bơm tiêu úng được thị xã Hồng Ngự quan tâm hàng đầu. Để thực hiện, ngoài việc chủ động từ các cấp chính quyền, công tác huy động sức dân cùng tham gia chống lũ cũng được quan tâm.
Phường An Lạc có hai đê bao kết hợp đoạn tỉnh lộ ĐT 841 và xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) bảo vệ hơn 450ha lúa thu đông (hơn 40 ngày tuổi). Những ngày gân đây, do mực nước dâng cao gây áp lực mạnh khiến các đoạn đê bao ở kênh Thới Thường (khóm Cây Da) bị nứt và sạt lở, hệ thống cống thoát nước Xẻo Tre (khóm Cồng Cộc) bị hư hỏng gây nguy cơ ảnh hưởng diện tích sản xuất của người dân. Sau khi khảo sát tình hình, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão (PCLB) điều động nhân lực, máy móc, phương tiện, đồng thời vận động nhân dân cùng tham gia gia cố những đoạn đê hư hỏng.
Ông Phạm Trung Hậu - Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết: Khi xảy ra sự cố vỡ đê hay ngập hệ thống bơm nước chống úng, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ người dân địa phương. Hưởng ứng lời vận động của các cấp chính quyền, người góp bao cũ, người tham gia xúc đất, khiêng đất và một số khác “xung kích” lặn sông để đóng cừ tràm, be bờ, đắp đất đê bao. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần chung sức bảo vệ tài sản và lợi ích chung của nhân dân trên địa bàn phường”.
Có hơn 3ha diện tích sản xuất lúa thu đông 2013, chú Dương Văn Liêm ngụ khóm Cồng Cộc, phường An Lạc luôn tham gia sửa chữa, gia cố đê bao mỗi khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, chú còn tham gia tuần tra, kịp thời phát hiện và thông báo tình hình khẩn cấp cho lãnh đạo địa phương. Chú Liêm chia sẻ: “Là người dân địa phương, tôi xem việc bảo vệ đê bao không chỉ là bảo vệ tài sản cá nhân mà bảo vệ tài sản chung của mọi người. Vì vậy, khi nghe tin vỡ đê hay sạt lở, gia đình tôi trực tiếp tham gia và vận động bà con cùng chung tay, giúp sức bảo vệ mùa màng”.
Tại xã An Bình A, công tác huy động nhân dân cùng chung tay khắc phục sự cố sạt lở và củng cố đê bao chống lũ cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ông Đỗ Văn Mẫm - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình A cho biết, người dân địa phương đã quen sống chung với lũ nên khi lũ về, chỉ cần họp dân, triển khai kế hoạch chống lũ thì họ nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2013, toàn xã An Bình A có khoảng 5.500m đê bảo vệ hơn 436ha lúa và hoa màu. Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, mực nước lên nhanh khiến đoạn đê kênh 2/9 thuộc ấp An Lợi với chiều dài 200m bị ngập và sạt lở nhiều đoạn đê xung yếu.
Sau sự cố, Ban chỉ đạo PCLB địa phương cử cán bộ túc trực tại các “điểm nóng”, nhanh chóng huy động nhân dân đóng góp gần 5.000 bao chứa đất và hơn 8 cây, mũ bạt để nâng cao mặt đê và gia cố các đoạn đê với kinh phí trên 40 triệu đồng.
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự chung sức của người dân địa phương trong công tác PCLB, hệ thống đê bao trên địa bàn thị xã Hồng Ngự được bình ổn với độ cao hơn 1m so với mực nước lũ. Đó là điều kiện để người dân trên địa bàn yên tâm sản xuất.
Phước Lộc