Huyện Châu Thành đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Cập nhật ngày: 24/09/2014 13:35:26
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong những năm qua, huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho bà con nghèo nỗ lực phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã An Khánh đánh dây lục bình kiếm thu nhập hàng ngày
Trong năm 2013, huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 2.000 lao động làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các thành phố trong và ngoài tỉnh; kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề huyện và các hội đoàn thể địa phương mở 27 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 649 học viên nhằm tạo điều kiện giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định. Năm qua, huyện đã giới thiệu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho 703 hộ nghèo với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Nhằm giúp bà con nghèo sử dụng vốn làm ăn có hiệu quả, huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, định hướng cách làm ăn.
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Anh Trương Trọng Nghĩa ở ấp An Phú, xã An Khánh là hộ thoát nghèo năm 2013, nhờ chí thú làm ăn và được vay vốn 20 triệu đồng, anh mua 2 con bò nuôi vỗ béo. Anh Nghĩa cho biết: “Được thoát nghèo tôi mừng lắm, hiện 2 con bò của tôi sắp bán được, mỗi con bò mua 10 triệu đồng, bỏ công chăm sóc, cắt cỏ qua 6 tháng có thể bán được 15 triệu đồng đến 16 triệu đồng/con”. Còn anh Nguyễn Văn Sanh, ngụ ấp An Phú, xã An Khánh cũng là hộ vừa thoát nghèo cuối năm 2013. Năm 2012, anh được vay 30 triệu đồng để mua 5 con heo nuôi thịt (mỗi con heo giống có giá 1 triệu đồng). Anh cho biết: “Với thời gian nuôi 6 tháng, tôi bán 1 con heo được khoảng 5 triệu đồng, trừ chi phí tôi lời 2 triệu đồng/con. Hiện với số lợi nhuận kiếm được, tôi mua 2 con heo con để nuôi tiếp. Hằng ngày, tôi tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập, vợ tôi thì chăm sóc đàn heo”. Ngoài phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã sử dụng vốn vay để mua bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình. Cô Nguyễn Ngọc Châu ở ấp An Bình, xã An Khánh vay được 10 triệu đồng đầu tư mua bán nhỏ ở chợ và tranh thủ đánh đây lục bình kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày cô đánh được 3 đến 5 sợi dây lục bình, được trả công 5 ngàn đồng/sợi. Cô Châu nói: “Cuối năm 2013, hộ của tôi được thoát nghèo, cuộc sống gia đình hiện đã tạm ổn”. Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục như tặng thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi... đều được triển khai đồng bộ.
Với nhiều cách làm mới, giải pháp hay đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm: năm 2012 là 10,95%, năm 2013 là 8,35% và hiện tại, huyện còn 2.255 hộ nghèo (5,68%). Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, năm 2014, huyện thực hiện lập danh sách và phân loại hộ nghèo như: hộ chí thú làm ăn nhưng không đất sản xuất; hộ già neo đơn, bệnh tật, hưởng trợ cấp xã hội. Việc phân loại này giúp huyện có biện pháp giúp đỡ đúng người và đúng đối tượng. Đối với hộ nghèo neo đơn, người già bệnh tật nằm trong diện đặc biệt khó khăn thì giao cho UBND các xã, thị trấn thực hiện vận động mạnh thường quân hỗ trợ gạo ăn hàng tháng.
Ông Văng Tấn Sĩ - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp các ngành liên quan thống kê lại số lao động để có kế hoạch định hướng việc làm cho lao động; đồng thời phấn đấu thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới...”.
MỸ XUYÊN