Huyện Thanh Bình chú trọng mục tiêu giảm nghèo
Cập nhật ngày: 22/01/2014 06:11:08
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua huyện Thanh Bình đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho bà con phát huy nguồn lực bản thân, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ruộng ớt của vợ chồng anh Hải ở ấp Tân Hội, xã Tân Bình
Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thanh Bình luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2013, huyện đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3.500 lao động làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt tỷ lệ 105% kế hoạch; kết hợp Trường Trung cấp nghề và các đoàn thể huyện vận động mở 20 lớp nghề thường xuyên gồm: may dân dụng, đan giỏ xách, đan ghế nhựa, kết cườm,... Ngoài ra, huyện còn phối hợp Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty Cổ phần Vạn Ý mở 15 lớp nghề chế biến thủy sản theo đơn đặt hàng với 525 học viên. Đa số lao động học xong đều có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo làm ăn cũng được huyện chú trọng và triển khai hiệu quả. Trong năm, huyện đã giải ngân được 25 dự án với số tiền trên 2,7 tỷ đồng, đồng thời mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, định hướng làm ăn để bà con ổn định công việc từ nguồn vốn vay.
Được sự trợ giúp về vốn, hướng dẫn kỹ thuật của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong huyện theo cách “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Gia đình anh Nguyễn Văn Hải ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Bình, có 4 nhân khẩu, không đất sản xuất, vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống nhưng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ tháng 7/2012 được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn 10 triệu đồng và được tham gia các buổi hội thảo về mô hình trồng ớt trên đất lúa hiệu quả của nông dân xã Tân Bình, anh Hải mạnh dạn thuê 5.000m2 đất để trồng ớt với giá 4 triệu đồng/năm. Anh Hải cho biết: “Với 5.000m2 đất trồng ớt trung bình mỗi vụ (2 tháng) trừ chi phí tôi lời khoảng 25 triệu đồng, nên giờ đây kinh tế gia đình tôi cũng được ổn định. Vừa rồi, cùng với số tiền dành dụm của gia đình và sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ xã, gia đình tôi đã cất xong căn nhà kiên cố. Bây giờ vợ chồng tôi đã an tâm làm ăn, phát triển kinh tế lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”.
Anh Bùi Văn Bịt ngụ ấp Tân Phú A, xã Tân Bình chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng rất khó khăn. Có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực phấn đấu làm ăn của gia đình là sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương. Đầu năm 2012, được địa phương hỗ trợ vay vốn 12 triệu đồng, tôi quyết định mua 2 con bò về vỗ béo, sau 7 tháng nuôi, xuất bán bình quân mỗi con lời khoảng 8 triệu đồng và hiện tôi đang bổ sung thêm 2 con nghé nữa để nuôi xoay vòng. Nhờ lợi nhuận từ nuôi bò và thu nhập từ việc làm thuê của vợ chồng, cuộc sống gia đình tôi không còn khó khăn như trước nữa”.
Các chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo được thực hiện kịp thời, giúp các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi trang trải trong thời gian học cũng được triển khai tích cực.
Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều giải pháp cụ thể được triển khai trong năm 2013, toàn huyện chỉ còn 3.901 hộ nghèo chiếm 9,53%, giảm 3,03% tương đương với 1.241 hộ thoát nghèo. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Trưởng phòng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan thống kê lại số lao động để có kế hoạch định hướng tạo việc làm cho lao động; phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội thu hồi dự án đến hạn, đồng thời phân bổ hướng dẫn các địa phương lập lại dự án mới kết hợp kiểm tra, quản lý chặt nguồn vốn vay xóa đói, giảm nghèo theo phương châm tăng vốn và định hướng cho họ sử dụng vốn đúng mục đích, phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tối thiểu tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới...”.
Bích Liễu