Khẩn trương tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân

Cập nhật ngày: 09/08/2021 09:50:41

ĐTO - Hiện nay, một số loại nông sản của tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng dự kiến hàng trăm tấn. Tuy nhiên, do địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh bị hạn chế khiến nông sản của nông dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện cả hệ thống chính trị của tỉnh đang khẩn trương tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân. Để hiểu hơn công tác này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp.


Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp

Phóng viên (PV): Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản như thế nào? Thưa bà!

Bà Võ Phương Thủy: Để triển khai việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, ngày 14/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214 về việc thực hiện Kế hoạch khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Triển khai kế hoạch này, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác, Bộ phận giúp việc triển khai kế hoạch, ngành nông nghiệp thành lập đường dây nóng hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản. Bên cạnh đó, trên tinh thần Kế hoạch số 214 của UBND tỉnh, từng địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập tổ tiêu thụ nông sản nhằm thực hiện hai nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp nông dân trong điều kiện dịch Covid-19.

Qua việc phối hợp tổ chức 2 cuộc họp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở Công Thương với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thống nhất ban hành biểu mẫu và thời gian các địa phương gửi thông tin sản lượng nông sản địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ. Theo đó, thống nhất hàng tuần, các địa phương sẽ thống kê số nông sản có sản lượng lớn chuẩn bị thu hoạch cần hỗ trợ tiêu thụ gửi về Sở Công Thương và Sở NN&PTNT để chúng tôi tìm đầu mối tiêu thụ.

PV: Bà vui lòng cho biết, các hình thức tiêu thụ và hiệu quả đạt được đến thời điểm này là gì?

Bà Võ Phương Thủy: Có hai hướng tiêu thụ chính, thứ nhất đối với các loại với nông sản có qui mô sản xuất nhỏ, hộ gia đình, các địa phương thực hiện điều phối tại địa bàn thông qua các chợ, cửa hàng tiện ích hoặc thông qua đội “Shipper áo xanh” qua hình thức đi chợ hộ cho người dân. Thứ hai, đối với lượng nông sản có qui mô sản xuất lớn hoặc đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn thực hiện phòng, chống dịch, các địa phương báo cáo về Sở Công Thương và Sở NN&PTNT để điều phối cho các địa phương trong tỉnh có nhu cầu và điều phối ngoài tỉnh.

Qua báo cáo rà soát nông sản tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn, Sở Công Thương đã thực hiện kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chủ yếu là thiết lập mối quan hệ bán hàng với các đối tác ở TP Hồ Chí Minh; đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã hỗ trợ Hợp tác xã nông sản Đồng Tháp ra mắt website bán nông sản và đặc sản Đồng Tháp: https://www.htxdacsandongthap.com, đưa 350 sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh lên trang web để người tiêu dùng có thể thuận tiện hơn trong việc mua sắm các mặt hàng nông sản, đặc sản của Đồng Tháp.

Đến thời điểm này, loại nông sản đang thu hoạch có sản lượng lớn nhất là nhãn (tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành, kế đến là TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh). Hiện nay, Sở Công Thương đã kết nối với hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu thụ sản lượng 10 tấn/ngày; Big C là 12 tấn/tuần. Đồng thời, Sở đã kết nối và đưa lên sàn thương mại Postmart sản lượng 25 tấn đầu tiên vào ngày 3/8/2021. Ngoài ra, có 1 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thu mua ổn định 2,5 tấn/ngày để đưa vào các điểm bán hàng lưu động. Hiện nay ở các địa phương, thương lái vẫn đến mua với sản lượng 10 tấn/ngày.

Đối với các loại nông sản khác như: bắp, chanh, củ ấu, khoai môn, xoài..., Sở đã kết nối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài địa bàn như Big C, Bách Hóa Xanh, Sài gòn Co.op, Aeon citimart, Lotte, Vincom, Viettel, Postmart, các đầu mối thu mua nông sản với sản lượng khá ổn định. Riêng tôm, ếch còn sản lượng khá lớn nhưng do đang trong thời gian giãn cách xã hội, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên chưa tìm được đối tác tiêu thụ, hiện chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến tìm đầu ra.

PV: Xin bà cho biết thêm về những khó khăn gặp phải và đề xuất đối với các địa phương để việc phối hợp tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả trong thời gian tới?

Bà Võ Phương Thủy: Khó khăn hiện nay là cung cầu chưa gặp nhau, có nghĩa là những sản phẩm nông dân sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên việc tìm đầu ra cho nông sản còn khá khó khăn. Thêm vào đó, với đặc thù nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất nhỏ lẻ, không có đầu mối hợp tác xã hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân (chứng nhận đăng ký kinh doanh) đứng ra hỗ trợ người dân đại diện trao đổi và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống phân phối. Vì vậy, có những nơi phải nhờ những đơn vị khác đứng ra kết nối, tiêu thụ do qua nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận của nông dân không như kỳ vọng.

Khó khăn nữa là công tác vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ chậm do đang có nhiều tỉnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 nên thời gian vận chuyển phải kéo dài hơn, dễ gây hư hỏng hàng hóa.

Cuối cùng là việc phối hợp cung cấp thông tin của các địa phương chưa sát với thực tế nên khi kết nối với đối tác chưa tạo được sự thống nhất như mong muốn. Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương rà soát, cập nhật thông tin cụ thể, trong đó chỉ cung cấp sản lượng những loại nông sản chuẩn bị thu hoạch và có sản lượng lớn cần liên kết tiêu thụ để Tổ thông tin thuận tiện hơn trong việc kết nối để việc tìm đầu ra cho nông sản phối hợp nhịp nhàng, mang lại hiệu quả cao hơn.

PV: Xin chân thành cảm ơn bà!

Mỹ Nhân (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn