Khởi sắc ở xã nông thôn mới Trường Xuân

Cập nhật ngày: 22/01/2016 12:41:04

Vốn từng là vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười) có sự chuyển mình mạnh mẽ. Giờ đây, Trường Xuân đã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM).


Nhà văn hóa ấp 5A, xã Trường Xuân được xây dựng khang trang

Dù không phải là 1 trong 30 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh nhưng Đảng ủy, UBND xã đã quyết liệt thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM được triển khai kịp thời từ nội bộ Đảng đến quần chúng nhân dân, tạo ý thức và sự đồng thuận cao trong người dân. 5 năm qua, tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM ở Trường Xuân là trên 970 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 172 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai tài chính nên người dân tin tưởng tham gia làm nhiều tuyến đường như: bờ tây kênh Tư Mới, bờ nam kênh Hội Kỳ Nhất... tổng chiều dài hơn 20km; các đường trục chính nội đồng cũng được xây dựng. Nhờ đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đảng ủy, UBND xã đã lãnh, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Nông dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Từ đó, năng suất nông sản, nhất là lúa nâng lên và giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, xã Trường Xuân nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng Tháp Mười, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng như: Tỉnh lộ 845, tỉnh lộ 844 nối liền với tỉnh Long An, TP.Hồ Chí Minh, giúp địa phương có cơ hội phát triển. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Năm 2015, tỷ lệ lao động có việc làm gần 92%; thu nhập bình quân hơn 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9%, giảm hơn 11% so với năm 2011.

Có dịp trò chuyện với những người dân sống lâu năm ở địa phương mới hiểu hết những khó khăn trước đây của Trường Xuân - vùng đất chua phèn một thời. Sinh ra và lớn lên tại Trường Xuân nên ông Võ Văn Hưng (SN 1941) ở ấp 6B chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của quê hương mình. Ông Hưng cho biết: “Trước đây, do đất phèn nên trồng nhiều tràm, lúa chỉ sản xuất 1 rồi 2 vụ/năm nhưng năng suất không cao; hộ nghèo còn nhiều. Sau đó, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi rửa phèn nên giờ sản xuất 3 vụ/năm. Những năm gần đây, nhất là từ khi bắt tay vào xây dựng NTM tới nay thì quê tôi có sự thay đổi rõ nét, tôi rất mừng. Đường được lót đan, trải nhựa, đi lại dễ dàng. Việc làm ruộng cũng khỏe hơn vì đã sử dụng cơ giới hóa, năng suất lúa lại cao nên đời sống người dân được nâng lên...”.

Có thể nói, chính Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã tạo sự khởi sắc cho nhiều vùng quê, trong đó có xã Trường Xuân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương cũng gặp không ít khó khăn như ở tiêu chí y tế, môi trường... Nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Trường Xuân đã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM. Đến nay, xã có trên 98% hộ dân sử dụng điện; hơn 93% sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng, các Nhà văn hóa ấp cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Người dân xây dựng nhiều căn nhà kiên cố, không còn nhà tạm bợ; tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 75%.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương cùng sự quan tâm, đầu tư của cấp trên nên Trường Xuân đã đạt chuẩn xã NTM. Song, đạt được 19 tiêu chí đã khó, việc duy trì và nâng chất các tiêu chí lại càng khó hơn. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường giao thông... để xã NTM Trường Xuân càng phát triển hơn.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn