Không chủ quan với sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 23/08/2019 10:04:04

ĐTO - Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cơ bản ở mức ổn định. Tuy nhiên, sốt xuất huyết (SXH) là bệnh có số ca mắc tăng đột biến và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới.


Thường xuyên kiểm tra, cọ rửa dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng, phòng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết tăng mạnh, 2 ca tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 1.171 trường hợp mắc SXH (tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 60 ca mắc SHX nặng, không có trường hợp nào tử vong. Tại các địa phương xuất hiện 561 ổ dịch SXH và đều được tổ chức xử lý kịp thời. Thế nhưng, trong gần 2 tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh SHX đang diễn biến khó lường và số ca bệnh tăng cao. Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 607 ca SHX. Số ca mắc SXH phủ đều ở các huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương có số ca mắc cao gồm: huyện Hồng Ngự (285 ca), TP.Cao Lãnh (271 ca), Lấp Vò (268 ca), Cao Lãnh (247 ca), Thanh Bình (189 ca), Lai Vung (168 ca).

Không chỉ tăng về số ca mắc, trong khoảng thời gian này, tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SHX. Ngày 23/7/2019, Trung tâm Y tế huyện Lai Vung tiếp nhận bệnh nhi Lê Thị Ngọc H. (SN 2012, ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) trong tình trạng sốt cao sau 4 ngày uống thuốc tại nhà không giảm. Chẩn đoán sơ bộ ban đầu là nhiễm siêu vi, đến 10 giờ ngày 25/7/2019, bệnh nhi trở nặng với chẩn đoán sốc SXHD N5, tiên lượng rất nặng và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán: SXH Dengue nặng đầu ngày 5 có biến chứng suy gan, rối loạn đông máu, tràn dịch đa màng. Đến 14 giờ 45 phút cùng ngày, bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên nhưng tử vong trên đường chuyển tuyến. Ngoài ra, còn có 1 ca tử vong ở người lớn xảy ra tại huyện Cao Lãnh. Bệnh nhân là Huỳnh Thanh T. (21 tuổi) ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hội.

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh

Theo bác sĩ Dương Ân Hận - Phó Giám đốc TTKSBT tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc SXH cao hơn các năm trước. Đầu tiên là do vi-rút gây bệnh SXH bắt đầu xuất hiện tuýp mới và lưu hành tại nhiều nơi, nên có khả năng gây bệnh cho những người chưa miễn dịch với loại vi-rút này. Thời tiết mưa nhiều và thất thường làm cho độ ẩm không khí tăng cao, tăng số vật phế thải chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát sinh, tạo ra nhiều tác nhân truyền bệnh SXH. Một nguyên nhân khác là việc phát hiện, xử lý ổ dịch chưa thực sự đảm bảo đúng kỹ thuật, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống SXH. “Đây là nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của đội ngũ làm công tác chống dịch ở cơ sở. Do đó, thời gian qua, chúng tôi tăng cường giám sát để chấn chỉnh hoạt động này, với mục tiêu ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát, tránh quá tải bệnh viện nhằm giúp việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân được chu đáo, hiệu quả, không để xảy ra trường hợp tử vong” - bác sĩ Dương Ân Hận cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do phong tục tập quán nên người dân thường xuyên dự trữ nước mưa, nước sông nhưng chưa thực hiện tốt công tác xử lý nên tạo môi trường thuận lợi để lăng quăng phát triển. Việc cán bộ y tế đến nạo vét và đổ nước chứa trong lu, khạp cũng gặp nhiều khó khăn. Người dân mặc dù biết nguyên dân gây bệnh và biện pháp phòng, ngừa SXH nhưng không tự ý thức thực hiện...

Trước tình hình dịch bệnh tăng cao và diễn biến khó lường, công tác phòng, chống dịch bệnh hết sức cấp thiết và cần có sự phối hợp giữa ngành y tế, các cấp, ngành, cơ quan truyền thông. Ngoài ra, mỗi người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại gia đình như: làm vệ sinh môi trường, làm giảm nơi trú ẩn của muỗi vằn; đổ bỏ nước đọng trong các vật phế thải quanh nhà; đậy kín các dụng cụ chứa nước và thả cá nhỏ ăn lăng quăng...

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn