CHÚ NGUYỄN VĂN KHỎE

Khuyết tật nhưng vẫn tham gia bắc cầu nông thôn suốt hàng chục năm qua

Cập nhật ngày: 04/04/2021 06:09:04

ĐTO - Với vóc người nhỏ thó lại bị tật gù lưng từ nhỏ nhưng suốt hàng chục năm qua, chú Nguyễn Văn Khỏe (tên thường gọi Mười Khỏe) ngụ ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung vẫn cần mẫn tham gia đi bắc cầu nông thôn. Đối với chú Mười Khỏe, làm điều hữu ích cho xã hội là niềm vui, là hạnh phúc của đời mình.


Cắt sắt và buộc đai sắt là những việc chú Nguyễn Văn Khỏe (bìa phải) thường tham gia

Gần đây, chúng tôi có dịp gặp và khá ấn tượng với một thành viên của Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung bởi dáng người nhỏ xíu, lưng bị gù, cao chỉ khoảng 1,2m, cân nặng trên dưới 40kg. Hỏi thăm mới biết, đó là chú Nguyễn Văn Khỏe (52 tuổi) - một trong những thành viên có nhiều kinh nghiệm, phụ trách kỹ thuật (chuyên về sắt) của Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung. Theo chú Mười Khỏe, từ năm 2006, chú cùng một số người dân địa phương đi sửa và bắc cầu nông thôn trong ấp. Dần dần, chú tham gia sửa, xây cầu bê tông với các thành viên của Chi hội xây dựng cầu, đường từ thiện xã Vĩnh Thới. Năm 2015, sau khi hợp nhất Chi hội xây dựng cầu, đường từ thiện của các xã thành Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung, chú Mười Khỏe tiếp tục là thành viên của Đội này. Nhẩm tính, chú Mười Khỏe có khoảng 15 năm làm công việc bắc cầu từ thiện.

Vốn có “thâm niên” và nhiều kinh nghiệm, chú Mười Khỏe đảm nhiệm việc tính toán để “ra sắt” xây cầu. Chú Mười Khỏe thực hiện những công việc liên quan đến sắt như đo, cắt rồi bẻ đai sắt và buộc đai sắt... Bên cạnh đó, chú Mười Khỏe còn đóng ván, khép hộc để đổ bê tông làm lan can cầu. Ông Võ Văn Lộc - Đội trưởng Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung cho biết: “Chú Mười Khỏe tuy có tật nhưng lại có tài. Chú ấy rất tỉ mỉ, cẩn thận, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Các nhiệm vụ được giao, chú đều hoàn thành tốt nên tôi rất an tâm mỗi khi giao việc cho chú”.

Chú Mười Khỏe cho hay: “Suốt mười mấy năm qua, tôi tham gia bắc hàng trăm cây cầu nông thôn, chủ yếu trong huyện Lai Vung và tỉnh Đồng Tháp. Thỉnh thoảng, tôi còn cùng với anh em đi bắc cầu ở các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang”. Bị khuyết tật, việc đi lại của chú Mười Khỏe gặp khó khăn. Vì vậy, có khoảng 10 người bạn “đồng nghiệp” thay nhau chở chú đi làm cầu. Chú Nguyễn Văn Khuấn - thành viên Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung nói: “Tôi nễ phục tinh thần và tấm lòng nhân ái của anh Mười Khỏe. Nếu làm cây cầu nào ở hơi xa là tôi chạy xe máy qua chở anh Mười Khỏe cùng đi. Anh rất nhiệt tình góp công xây cầu. Đa số các công trình mà Đội thi công đều có sự góp mặt của anh...”.

Chú Mười Khỏe khá hồ hởi kể về việc xây cầu nông thôn. Còn khi được hỏi về chuyện gia đình, chú Mười Khỏe tâm sự với ánh mắt buồn hiu. Chú sinh ra trong gia đình có 12 anh, chị, em và chú bị khiếm khuyết trên cơ thể từ nhỏ. Hơn 30 tuổi, chú Mười Khỏe lập gia đình nhưng đã đổ vỡ không lâu sau đó. Nhiều năm qua, chú ở cùng người em út. Kinh tế gia đình không mấy dư dả nhưng chú cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Khuyết tật bẩm sinh mà trong khả năng của mình, tôi muốn góp công làm những cây cầu vững chắc cho mọi người lưu thông thuận tiện, góp phần phát triển quê hương. Tôi rất vui và hạnh phúc vì làm được điều hữu ích cho xã hội. Tham gia xây cầu, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều anh em nên cảm thấy tinh thần thoải mái, lạc quan hơn” - chú Mười Khỏe bộc bạch.

Bà Huỳnh Thị Bạch Phượng - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu, đường huyện Lai Vung cho biết: “Anh Mười Khỏe đã góp công bắc cầu thiện nguyện từ rất nhiều năm nay. Dù nhỏ người, bị dị tật bẩm sinh nhưng anh vẫn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Việc làm của anh Mười Khỏe đáng được ghi nhận, biểu dương và học tập”. Gần đây, chú Nguyễn Văn Khỏe vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013 - 2020.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn