Lai Vung tích cực hỗ trợ để hộ nghèo vươn lên

Cập nhật ngày: 21/03/2016 13:07:23

Để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định cuộc sống, hàng năm, UBND huyện Lai Vung đề ra nhiều chương trình, kế hoạch như: đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cho vay vốn làm kinh tế... nhằm góp phần giúp người nghèo vượt qua khó khăn.


Nhiều phụ nữ ở Lai Vung có thêm thu nhập từ việc hái nấm rơm

Năm 2015, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, các hội đoàn thể mở được 56 lớp nghề nông thôn: may, sửa xe, hớt tóc, đan bội, sửa kiểng bonsai, sửa máy phun... Huyện cũng chú trọng tạo việc làm tại chỗ bằng hình thức giới thiệu cho người lao động đến làm việc tại Khu Công nghiệp Sông Hậu, Công ty Cổ phần May Thêu Lai Vung, các cơ sở sản xuất nem... phối hợp Huyện đoàn tổ chức cho thanh niên tham gia sàn giao dịch việc làm. Hàng năm, thông qua kênh tư vấn giới thiệu việc làm, huyện đã giúp hơn 2.000 lao động tại địa phương tìm được việc làm ổn định. Hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện duy trì tổ chức dạy nghề các nghề: may, đan bội, may bao tay... Sau học nghề, các chị có việc làm tại gia đình. Chị Nguyễn Thị Út ngụ ấp Long Định, xã Long Thắng chia sẻ: “Sau khi học nghề may bao tay, tôi lãnh hàng của một cơ sở ở TP.Sa Đéc để may gia công tại nhà. Mỗi ngày tôi có thu nhập khoảng 60 ngàn đồng, ngày làm nhiều được khoảng 80 ngàn đồng”. Một số chị không học nghề được Hội LHPN giới thiệu đi làm thuê các việc như: hái nấm rơm, làm cỏ vườn quýt, cam,... Đoàn thanh niên huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cho đoàn viên về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi thông qua những lớp chuyển giao khoa học.

Với mô hình thư viện điện tử do Trung ương Đoàn thực hiện thí điểm tại huyện, nhiều thanh niên có thêm kiến thức phục vụ cho việc sản xuất tại gia đình. Đoàn thanh niên cũng đã thành lập nhiều tổ hợp tác như: tổ hợp tác máy xới đất, tổ phun xịt thuốc của thanh niên ở xã Long Thắng, tổ chất nấm rơm ở xã Tân Hòa, Vĩnh Thới,... thu hút nhiều thanh niên tham gia, góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp trong thanh niên. Thông qua các mô hình kinh tế như chăn nuôi bò, heo, nuôi cá... nhiều thanh niên chí thú làm ăn đã vươn lên thoát nghèo. Anh Trần Văn Sầm ngụ ấp Hòa Định, xã Tân Hòa trước đây thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất. Huyện đoàn giới thiệu cho anh vay 10 triệu đồng, cộng thêm tiền dành dụm anh mua 1 con bò về nuôi. Anh Sầm chia sẻ: “Được hỗ trợ vay vốn, tôi nuôi bò xem như để dành. Cứ 7 tháng nuôi, tôi bán 1 con bò, lời được 5 triệu đồng rồi mua con khác nuôi tiếp. Nhờ vậy, đến cuối 2014 gia đình tôi đã thoát nghèo và đã được vốn vay”.

Đầu năm 2016, huyện Lai Vung có 3.526 hộ nghèo (chiếm 8,93%); 2.164 hộ cận nghèo (chiếm 5,48%). Huyện tiếp tục thực hiện nhiều chương trình dành cho lao động nông thôn như: mở các lớp nghề theo nhu cầu của người dân, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm cho lao động... UBND huyện cũng tích cực tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, công ty đến địa phương tư vấn tuyển dụng lao động. Các hội đoàn thể ở huyện duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả để giúp hội viên làm kinh tế thoát nghèo.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn