Xảy ra trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 18/03/2016 14:30:05

Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 trường hợp người dân ở huyện Châu Thành mắc bệnh viêm não mô cầu.

Người mắc bệnh viêm não mô cầu là nam bệnh nhân tên N-V-D. (46 tuổi), công tác trong ngành quân đội ở huyện Châu Thành. Chiều ngày 26/2/2016, bệnh nhân có triệu chứng sốt 38,50C, lạnh run, nhứt đầu và được Bệnh xá của cơ quan theo dõi, điều trị. Đến chiều ngày 2/3/2016, do bị sốt cao và kèm theo biểu hiện nhứt đầu nên ông D. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Châu Thành điều trị, sau đó ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc rồi Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp điều trị. Bệnh diễn biến nặng, đến ngày 5/3/2016, ông D. được chuyển đến Bệnh viện 120 Tiền Giang và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện 175 Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Tại đây, ông D. được lấy dịch não tỷ để làm xét nghiệm, kết quả, ông D. bị viêm não mô cầu.

Vì đây là bệnh truyền nhiễm, có diễn biến nhanh và nguy hiểm, nên sau khi nhận được thông tin xảy ra bệnh, trong ngày 5/3/2016, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Châu Thành triển khai các biện pháp giám sát, khống chế và bao vây nguồn bệnh.

Đến nay, dịch bệnh không có dấu hiệu lây lan và không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới quanh khu vực xảy ra ca bệnh. Sau quá trình điều trị, hiện ông D. đã hồi phục sức khỏe và trở về địa phương công tác bình thường.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết: “Bệnh viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, có diễn biến nhanh, cấp tính và thường có tỷ lệ tử vong khoảng 10 -11%. Dấu hiệu nhận biết ban đầu của bệnh là bị sốt cao, đau đầu, đau các gân - cơ. Nếu diễn biến nặng hơn sẽ có dấu hiệu bị viêm não-  màng não, bệnh nhân sẽ bị nhức đầu, nôn ói, co giật và có những biểu hiện nhiễm trùng, nhanh bị suy sụp sức khỏe. Khi thấy các biểu hiện này, mọi người phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

 Do bệnh lây qua đường hô hấp, nên bên cạnh việc điều trị bệnh nhân, các cơ sở y tế địa phương nơi xảy ra bệnh cần phối hợp để khống chế, bao vây, dập dịch, không cho bệnh lây lan rộng bằng các biện pháp như: thanh trùng, khử độc ở các ca bệnh, giám sát các trường hợp tiếp xúc bệnh nhân để cho uống thuốc phòng ngừa, tránh trường hợp bệnh lây truyền trực tiếp từ bệnh nhân.

Ông Đoàn Tấn Bửu cũng thông tin thêm, để phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu, người dân nên thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng, rửa tay sạch sẽ, chú ý vệ sinh vật dụng sinh hoạt trong nhà. Khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang phòng hộ, tiếp xúc xong cần rửa tay sạch để tránh mầm bệnh phát tán, lây lan rộng ra bên ngoài.

Biện pháp quan trọng để phòng bệnh viêm não mô cầu hữu hiệu nhất, theo ông Đoàn Tấn Bửu là tiêm vacxin phòng ngừa. Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm Y tế ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có vacxin phòng bệnh viêm não mô cầu phục vụ người dân. Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn từ 45 tuổi trở xuống đều có thể tiêm vacxin phòng bệnh.

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Tháp, từ đầu năm 2016 đến nay toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 trường hợp mắc bệnh viêm cầu não của ông N-V-D.

Phú Thuận

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn