Lấp Vò chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, người có công

Cập nhật ngày: 24/05/2018 06:23:47

ĐTO - Thực hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và “Đền ơn đáp nghĩa”, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội của huyện Lấp Vò đã và đang chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, người có công (NCC) bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.


Lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lấp Vò đến thăm và hỗ trợ tiền cho người có công

Những năm qua, các cấp chính quyền huyện Lấp Vò đã huy động nhiều nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho NCC. Nổi bật là nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm, huyện đều vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa vượt chỉ tiêu, nhờ đó mà việc chăm lo cho NCC luôn được đẩy mạnh, nhất là việc xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa. Trong vòng 5 năm (2013 – 2017), huyện đã huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 6,5 tỷ đồng, từ đó đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 63 căn nhà tình nghĩa, giúp toàn bộ nhà NCC trên địa bàn được xây dựng và sửa chữa mới đảm bảo 3 cứng.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe; việc trợ cấp ưu đãi hàng tháng; ưu đãi giáo dục; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề, tạo việc làm,... cho NCC và thân nhân NCC cũng được huyện thực hiện đúng, đủ và kịp thời.

Đặc biệt, 15 Mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn huyện đều được các đơn vị trong và ngoài huyện nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời (mức phụng dưỡng 700 ngàn đồng/tháng) và được nhân viên các Trạm y tế đến thăm, khám sức khỏe hàng tháng. Nhờ vậy, đến nay, các gia đình chính sách trên địa bàn huyện có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Có nhiều cống hiến cho đất nước, được Nhà nước và chính quyền quan tâm, tri ân, phụng dưỡng, cất nhà tình nghĩa,..., Mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Bảy (92 tuổi) ngụ ấp An Phú, xã Mỹ An Hưng B xúc động chia sẻ: “Thời chiến tranh, ác liệt và khổ cực lắm. Khi đó, tôi và các con chỉ quyết tâm cống hiến một phần công sức mình để đất nước được sớm ngày thống nhất chứ đâu nghĩ được tri ân, đền đáp. Nay, đất nước thanh bình, phát triển, gia đình tôi được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cất nhà tình nghĩa, trợ cấp tiền, thăm khám sức khỏe hàng tháng. Tôi rất vui mừng và biết ơn”.

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất cho các đối tượng NCC, huyện cũng rất chú trọng chăm lo đời sống tinh thần. Cụ thể, ngoài tổ chức các chuyến an dưỡng cho các đối tượng có công theo đúng quy định Nhà nước, bằng nguồn kinh phí vận động của địa phương, từ năm 2017, huyện đã tổ chức về nguồn ở Phú Quốc cho 119 lượt NCC không thuộc diện được an dưỡng, để họ được thăm lại nơi mình đã từng chiến đấu, giam cầm và gặp gỡ những đồng đội từng kề vai sát cánh chiến đấu với mình.

Bác Châu Văn Một (ấp Bình Trung, xã Bình Thạnh Trung) thuộc diện NCC ở Lấp Vò nói: “Tôi không biết công tác NCC ở các địa phương khác như thế nào nhưng riêng tôi thấy Lấp Vò thực hiện chính sách chăm sóc NCC rất tốt và chu đáo. Ba mẹ tôi là NCC, tuần trước ông bà bị bệnh phải nằm viện, lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đến tận bệnh viện thăm hỏi, tặng quà. Tôi thì hàng năm đều được đi du lịch an dưỡng”.

Ông Đặng Đức Anh (Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lấp Vò) chia sẻ: “Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng luôn được các cấp, các ngành địa phương Lấp Vò đặt lên hàng đầu. Hàng năm, ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện đều vận động đối ứng để hỗ trợ thêm quà cho các đối tượng có công nhân các dịp lễ, Tết từ 400 – 600 ngàn đồng/hộ. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường hỗ trợ NCC và thân nhân NCC; cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ cho NCC chưa được công nhận, đảm bảo tất cả đối tượng có công trên địa bàn được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước, có cuộc sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn