Một xã vươn lên đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục
Cập nhật ngày: 14/04/2014 03:11:00
Đó là xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh. Có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, vậy mà sau 5 năm, bằng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân, xã tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu của xã văn hóa cơ bản đạt được điểm chuẩn, đang đề nghị tỉnh phúc tra công nhận.
Xã Tân Nghĩa được thành lập năm 1986, trên cơ sở tách ra từ xã Phong Mỹ, được tổ chức thành 4 ấp và 86 Tổ Dân phòng Khuyến học làm nền tảng quản lý xã hội. Những năm đầu mới thành lập, Tân Nghĩa là một xã nghèo, với nhiều con số không về cầu, đường, trường, trạm, điện, nước, chợ...; hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỉ lệ cao (khoảng 30%); năng suất, sản lượng cây lúa chỉ đạt mức thấp, do nhiều yếu tố tác động, trong đó yếu tố khoa học kỹ thuật là chủ yếu; sự nghiệp giáo dục, y tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp; tình hình an ninh, trật tự xã hội diễn biến phức tạp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, khổ cực,... Nhận thức được thực trạng này, Đảng bộ xã trãi qua nhiều nhiệm kỳ với trăn trở là làm sao cải thiện tốt hơn cuộc sống của người dân và luôn tìm giải pháp thiết thực để địa phương phát triển vươn lên.
Đảng bộ kêu gọi, phát động nhân dân toàn xã thống nhất, chung lòng quyết tâm xây dựng Tân Nghĩa trở thành một xã phát triển toàn diện. Quyết tâm ấy phải trải qua hơn 2 nhiệm kỳ mới thành hiện thực với biết bao giải pháp được áp dụng một cách đồng bộ: từ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục sự đồng thuận của nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân; ứng dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật trong cải tạo đồng ruộng, thâm canh, tăng vụ, để nâng mức sống của người dân lên tầm khá, giàu, rồi mới tính đến chuyện vận động chung tay đắp đường, bồi lộ, bắt cầu. Bên cạnh phát huy nội lực, lãnh đạo xã còn tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ, giúp đở của huyện, tỉnh, của bạn bè, những người con của xã làm ăn thành đạt nơi xa xứ về chung tay xây dựng quê hương.
Kết quả, đến nay xã Tân Nghĩa có những chỉ số đạt và vượt yêu cầu khá ấn tượng. Toàn xã có 2 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác, với trên 200 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 2,6 tỉ đồng, xã viên ngày càng nâng cao về thu nhập. Đây là mô hình phát triển kinh tế mang tính đòn bẩy, quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung trong toàn xã, hộ nghèo giảm đáng kể, đảm bảo ổn định và bền vững (hiện còn 7,03%). Hệ thống giao thông nông thôn đều nhựa hóa, đan hóa với tổng chiều dài đường bộ là 23,3km, tạo điều kiện thuận lợi giao thông hàng hóa, giao lưu văn hóa - là nhân tố quyết định cho mọi sự phát triển. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm đúng mức với tỉ lệ huy động học sinh đến lớp ngày càng tăng, học sinh bỏ học ngày càng giảm, các công trình vệ sinh của gia đình, công cộng được xây dựng ngày càng nhiều, chứng tỏ ý thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong nhân dân ngày càng tiến bộ; các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm chăm sóc tốt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao duy trì thường xuyên, số hộ gia đình văn hóa đạt 90%, cả 4 ấp đều đạt ấp văn hóa 5 năm liên tục trở lên. Tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững, các vụ tội phạm, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, bảo đảm bình yên. Hệ thống chính trị luôn được củng cố, phát huy, được nhân dân tin tưởng, cấp trên đánh giá trong sạch, vững mạnh trong suốt 5 năm qua.
Thành tựu trên là kết tinh của cả một quá trình phấn đấu không mệt mõi của Đảng bộ và nhân dân toàn xã, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành. Kết quả này thật đáng trân trọng, bởi lẻ quá trình đó phải vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, đòi hỏi tinh thần đoàn kết chung lòng, quyết tâm vượt qua. Thời gian tới, giữ gìn thành tựu ấy sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân xã Tân Nghĩa phải vững lòng tin, nỗ lực cao hơn nữa mới có thể giữ vững danh hiệu xã văn hóa lâu dài.
Huỳnh Văn Bé