Hướng về cội nguồn dân tộc
Cập nhật ngày: 09/04/2014 05:46:03
Ngày mùng 10/3 âm lịch - ngày Giỗ tổ Hùng Vương, người dân khắp nơi trong cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc. Tại Đồng Tháp, những ngày này, nhiều đơn vị, trường học, đình,... đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thành kính hướng về đất tổ.
Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp may trang phục đón ngày Giỗ tổ
Tại Trường Đại học Đồng Tháp, cứ cách 2 năm một lần, Trường tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương. Đến nay Trường đã tổ chức được 5 lần. Tại lễ “Giỗ tổ Hùng Vương - Ngày Hội mùng 10 tháng 3” lần này, trường tổ chức trọng thể 3 phần gồm hội chào mừng, lễ - hội và hội gồm các hoạt động văn nghệ, thi nấu bánh chưng, bánh dày, võ thuật truyền thống, lễ dâng hương,... Anh Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp cho biết, để chương trình diễn ra thành công, nhiều ngày nay, đông đảo sinh viên của trường tích cực may trang phục, diễn tập văn nghệ, trang bị dụng cụ dựng lều trại, trang trí kiệu vua Hùng,... Theo anh Nhàn, từ trước đến nay, mỗi lần tổ chức Giỗ tổ có đến trên 4 ngàn sinh viên của trường tham gia.
Nguyễn Thị Thảo - sinh viên năm 2, ngành Việt Nam học chia sẻ: “Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày rất quan trọng, em thấy rất tự hào khi hướng về cội nguồn dân tộc. Cùng chung suy nghĩ với Thảo, Trần Tôn Nghiêm - sinh viên năm 2, ngành Việt Nam học bộc bạch: “Ngày mùng 10/3 là ngày chúng em được nghỉ học, nhưng em vẫn ở lại trường để tham dự lễ và tham gia các hoạt động hội trại”.
Năm học 1992 - 1993 là năm đầu tiên Trường THCS Vĩnh Phước 2 được đổi tên thành Trường THCS Hùng Vương (TP.Sa Đéc) và cũng từ đó đến nay, hàng năm vào ngày mùng 10/3, Trường đều tổ chức lễ Giỗ tổ các vua Hùng. Cô Trần Nguyễn Nguyệt Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo cấp thành phố, địa phương, lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày càng trang trọng hơn. Em Dương Trần Kim Châu, sinh năm 2000, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hùng Vương tâm sự: “Em thấy rất vinh dự khi được mặc chiếc áo dài truyền thống dâng nén hương cho vua Hùng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất nước và thầm nhủ với lòng phải cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành công dân có ích cho đất nước và xứng đáng là con cháu của Vua Hùng”.
Hướng về cội nguồn dân tộc, dù đã đi làm, đang đi học nhưng với lòng vọng ngưỡng các vị vua Hùng, các bạn trẻ luôn bày tỏ lòng tri ân, kính trọng, qua đó góp phần phát huy giá trị truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Còn tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, hằng năm vào ngày giỗ tổ Hùng Vương, người dân trong xã lại đến Đình thần Tân An Trung - nơi có bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương trang hoàng, gói bánh chưng, cùng Ban Tế tự đình lo chuẩn bị ngày giỗ Tổ.
Ông Trần văn Diệp, Phó Trưởng Ban Tế tự Đình thần Tân An Trung cho biết: “Ngày 6/3 âm lịch tại đình Tân An Trung đã nhộn nhịp: các em học sinh đến lau dọn trong và ngoài sân đình, người cao tuổi và thanh niên sơn sửa hàng rào, trống và cổng vào. Ngày 9/3 âm lịch chị em phụ nữ của 13 xã, thị trấn trong huyện tập trung về đình cùng gói bánh chưng; các cụ ông sẽ chưng hoa, bày trái cây ở chánh điện; thanh niên treo cờ phướng, cờ hội ở hai bên trước cổng đình... Sáng mùng 10/3, Ban Tế tự Đình thần Tân An Trung tiến hành lễ nghênh sắc, làm lễ giỗ Tổ tại đình với hàng ngàn lượt bà con trong và ngoài huyện đến thắp hương tưởng niệm các vị vua Hùng, dâng lên bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương các loại trái cây, bánh chưng, xôi vò... để bày tỏ lòng thành kính”.
Bà Trần Thị Là, một trong những vị cao niên thường xuyên gói bánh chưng để dâng cúng ngày giỗ tổ cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, năm 1975 bà và các con được chồng đón vào Nam sinh sống ở xã Tân Khánh Trung. Bà Trần Thị Là tâm sự: “Lúc ở quê Thanh Hóa, tôi đã biết gói bánh chưng. Năm 36 tuổi, tôi theo chồng vào Nam, năm nào vào ngày tết, giỗ tổ tiên hay giỗ vua Hùng, gia đình tôi đều chuẩn bị nếp, đậu ngon để gói bánh dâng lên cúng vua. Mấy năm nay, tôi bắt đầu dạy các cô phụ nữ, các cháu nhỏ trong xã cách gói bánh chưng xem như thế hệ đi trước truyền lại thế hệ sau”.
Noi gương cụ Là, nhiều năm nay các chị em phụ nữ ở xã Tân Khánh Trung cũng đã học gói bánh chưng dâng vua với tâm niệm các vua Hùng sẽ mang lại sự bình yên cho mọi người, gia đình, qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Hữu Nghĩa-Minh Quân