Nghề dệt thảm tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 03/07/2013 04:39:26

Cụm dân cư ấp 3, xã Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) đa phần là hộ nghèo, không có đất sản xuất, nên việc có thu nhập hàng ngày đối với chị em phụ nữ nơi đây rất quan trọng. Ba năm nay, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu, một số chị (kể cả nam) được tiếp cận với mô hình dệt thảm từ vải vụn, thu nhập từ 50 - 60 ngàn đồng/người/ngày. Ban đầu, chỉ có khoảng 10 chị làm, đến nay đã phát triển được 105 chị.


Người dân ấp 3, xã Mỹ Long dệt thảm tại nhà

Với mô hình này, các chị dệt gia công cho chị Nguyễn Thị Thúy Vân (cơ sở dệt thảm Như Ý) tọa lạc tại ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Chị Vân thu mua vải vụn của các công ty may mặc giao lại cho các chị dệt thảm gia công tại nhà. Theo chị Vân, mỗi ngày chị thu lại hơn 1.000 thành phẩm. Các sản phẩm trên được tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Giá thành phẩm dao động từ 1.500 - 1.700 đồng (tùy kích cỡ). Trung bình một người dệt từ 35 - 40 tấm/ngày.

Việc dệt thảm khá đơn giản, chỉ học một tuần là làm được. Đối với phụ nữ nông thôn, đây là nghề dễ làm, bởi vì thời gian học nghề ngắn, không đầu tư vốn chỉ lấy công làm lời và được làm tại nhà. Chị Võ Thị Ngọc ngụ ấp 3 cho biết: “Trước đây không có nghề, cuộc sống khó khăn. Từ khi làm thảm đến nay, cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn. Nhà tôi 2 người dệt, mỗi ngày dệt 70 tấm thảm được hơn 100 ngàn đồng, đủ trang trải chi phí trong gia đình và lo con ăn học”.

Chị Ngô Thị Tuyết Hạnh ngụ cùng ấp, gia đình không có đất sản xuất, chồng chị đi làm thuê. Ngày nào không làm thuê, anh Huỳnh Nghiệp Mai cùng chị dệt thảm. Anh cho biết: “Tôi làm thuê nên không ổn định, từ ngày có nghề dệt thảm, tôi cũng yên tâm phần nào. Ngày không đi làm thuê, tôi dệt thảm nên không phải lo thất nghiệp. Trung bình một ngày, vợ chồng tôi có thu nhập 120 ngàn đồng. Tuy không là bao nhưng ổn định, ngày nào cũng có”.

Với sự cần cù, chịu khó, nhiều chị có việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm bớt gánh nặng gia đình. Bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ xã đánh giá: “Đây là mô hình mang lại hiệu quả cao, giải quyết được lượng lớn lao động nhàn rỗi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhân rộng mô hình sang ấp 2, thành lập thêm các tổ để giúp các chị tiện học nghề và mau chóng có việc làm”.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn