Nghề săn mai Tết
Cập nhật ngày: 16/02/2018 06:49:21
ĐTO - Nếu như ở miền Bắc những ngày Tết phải có hoa đào nở thì miền Nam không thể thiếu hoa mai bày trí trong nhà. Nắm được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, suốt cả năm, cánh “thợ săn” mai tỏa đi khắp nơi để săn lùng những cây mai đẹp phục vụ nhu cầu của “thượng đế”.
Chụp ảnh ở Chợ hoa Tết. Ảnh: Công Trường
“Thợ săn” thứ thiệt
Anh Huỳnh Thanh Phương ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc mới bước qua tuổi 27 nhưng đã có thâm niên 11 năm đi săn mai cung cấp cho các “thượng đế” chơi Tết.
Vừa trở về nhà sau chuyến săn “hàng” ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ với 2 gốc mai “bự tổ chảng”, có hoành cỡ 4-5 tấc, Phương nói: “Vì đam mê cây mai nên tôi nghỉ học sớm. 16 tuổi đã bắt đầu đi tìm mua mai về bán. Nhờ gắn bó với cây mai mà gia đình tôi bớt khổ. Với tôi cây mai là số 1”.
Theo các nghệ nhân chơi kiểng, một cây mai đẹp có giá trị nghệ thuật cần phải có bộ rễ đẹp, da xù xì (nhìn da cây già hơn tuổi thật của cây). Thân có dáng hình thú hoặc thuộc 1 trong 5 dáng cơ bản sau: dáng trực (thẳng đứng), dáng nghiêng, dáng hơi nghiêng, dáng bán thác đổ và dáng đổ (thân đổ xuống như thác) và hoa nhiều, cánh khít và nở đúng Tết. Tùy theo thế cây nguyên sơ mà các “thợ săn” mai phá thế, chỉnh sửa nhằm tạo dáng cho cây tăng giá trị.
Anh Huỳnh Thanh Phương và cây mai do mình săn lùng. Ảnh: Phú Thuận
Để có cây mai đẹp cung cấp cho thị trường, giới “thợ săn” như anh Phương phải lùng sục ở nhiều ngõ ngách của đồng bằng sông Cửu Long để tìm mua cây về tạo dáng. Vì thuộc dạng “cao thủ” trong giới săn mai nên anh Phương chỉ nhìn sơ qua cây mai là đoán được độ tuổi của cây. Đồng thời, chỉ xới qua một lớp đất mỏng dưới gốc cây là hình dung được bộ rễ cây như thế nào. Vì vậy ít khi anh mua lầm giá.
Đối với các “thợ săn” mai, nhiều người rất ngại mua và bứng mai trong mùa mưa vì sợ rễ cây dễ bị thối, trồng không sống. Tuy nhiên, bất kể mùa mưa hay nắng, anh Phương đều thu mua và bứng mai về trồng mà vẫn sống bình thường. Anh cũng không cần bứng mai có nhiều rễ và đất kèm theo (cây bứng xong giống như củ tỏi) nhưng trồng vẫn phát triển tốt.
Trong vườn nhà anh Phương có nhiều cây mai dáng hình thú, dáng nghiêng, hoành to hơn 5 tấc và thân cao hơn 4m có giá trị hàng trăm triệu đồng. Anh cho hay, đó là những cây mai được anh săn tìm và “nuôi” thêm để kiếm lời nhiều hơn. Bình thường, mai được anh mua về để vài hôm là có mối từ TP.Hồ Chí Minh hay các tỉnh miền Trung đến tận nhà thu gom. Tuy kiếm lời ít, nhưng bù lại anh đỡ phải tốn công chăm sóc và xoay vòng vốn nhanh. Trung bình mỗi năm, anh Phương cung cấp vài trăm cây mai cho thị trường, thu lợi nhuận trên trăm triệu đồng.
Khan hiếm mai đẹp
Do bị săn lùng nhiều nên nguồn mai đẹp ngoài tự nhiên hiện rất khan hiếm. Nếu trước đây “thợ săn” mai như anh Phương chỉ cần đi các vườn nhà dân trong tỉnh là tìm được cây mai ưng ý mua về bán, thì hiện nay phải rà rê ở nhiều tỉnh thành để tìm mai đẹp. Mặt khác, do kiếm được lợi nhuận khá từ việc mua bán mai kiểng cho nên nhiều người theo nghề mua bán mai, khiến cho việc cạnh tranh, truy lùng mai đẹp càng trở nên khốc liệt hơn.
Nhờ cây mai, ông Lê Thành Hòa phát triển kinh tế, nuôi con ăn học thành tài. Ảnh: Phú Thuận
Ông Lê Thành Hòa - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Lai Vung, chuyên mua bán mai ở xã Hòa Thành (Lai Vung) cho hay, so với trước đây, trình độ của người chơi mai hiện được nâng lên, yêu cầu về tính thẩm mỹ và nghệ thuật của cây mai cũng cao hơn trước nhưng lượng mai đẹp ngoài tự nhiên rất hiếm. Người mua bán mai phải dành nhiều thời gian tìm cây nguyên liệu, nuôi dưỡng và tạo dáng cho cây mới có mai đẹp bán ra thị trường. Đối với các cây mai đẹp, dù có giá tiền tỷ nhưng người chơi mai vẫn mua.
Ngoài ra, giới mua bán mai hiện nay cũng gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, khiến cây nở hoa sớm và dịch bệnh phát sinh nhiều, tăng chi phí điều trị.
Ông Lê Thành Hòa tâm sự, đã gắn bó với cây mai gần 30 năm và trải qua biết bao thăng trầm, nhưng nhờ cây mai mà kinh tế gia đình ông phát triển, chăm lo cho các con ăn học nên cây mai là tri ân, tri kỷ của ông.
Đối với ông Hòa hoặc anh Phương ngoài việc săn tìm mai, chăm sóc, o bế mai để làm kinh tế, đó còn là thứ tình cảm đặc biệt cho loại hoa đặc trưng của mùa xuân ở miền Nam. Trả qua thời gian gắn bó, chăm sóc, dù rất muốn giữ lại chúng như giữ lại cái tình, giữ lại người bạn do mình làm ra nhưng cũng đành phải bán chúng cho người chơi. Tiếc đứt ruột, nhưng nghĩ về sản phẩm của mình sẽ được nâng niu chăm sóc và được khoe sắc trong những ngày Tết, vậy là họ đã vui rồi.
Phú Thuận