Người dân an cư, lạc nghiệp nhờ những cụm, tuyến dân cư vượt lũ
Cập nhật ngày: 22/06/2015 12:42:01
Chương trình cụm, tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ kết hợp với những quyết sách đúng đắn về ổn định và phát triển dân sinh đã tạo nên sức sống cho chủ trương sống chung với lũ ở huyện Tam Nông.
Tuyến dân cư Nam kênh hậu (thị trấn Tràm Chim) giúp nhiều hộ dân vùng ngập lũ có chỗ ở ổn định
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vùng thường xuyên bị ngập lũ. Huyện Tam Nông đã xây dựng 33 CTDC với hơn 9.000 nền (gần 2.650 nền sinh lợi). Trong đó, chương trình xây dựng CTDC giai đoạn 1 đã bố trí 100% hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở nguy hiểm vào ở trong 26 CTDC với hơn 4.400 nền. Tiếp nối thành công đó, giai đoạn 2, huyện Tam Nông được đầu tư xây dựng 7 CTDC. Hiện, 1.789 hộ đã xây nhà và vào ở, còn lại 150 căn nhà chưa xây dựng do mặt bằng bị sụp lún, đang được khắc phục.
Theo ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông: Dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng chương trình xây dựng CTDC đã phát huy hiệu quả tích cực, làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới; chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng lên. Người dân từng bước ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1976) ở Cụm dân cư khóm 4, thị trấn Tràm Chim chia sẻ: “Hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Lúc trước, tôi ở nhà sàn cặp mé sông, mùa lũ bị ngập nước. Nhưng được địa phương quan tâm, tôi được xét mua nền nhà trả chậm và về sống tại cụm dân cư này. Bây giờ, gia đình tôi có chỗ ở an toàn nên an tâm lao động, phát triển kinh tế”.
Bên cạnh giúp người dân có chỗ ở ổn định, Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông còn quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sống trên các CTDC. Từ năm 2010 đến nay, Phòng Kinh tế Hạ tầng phối hợp với các đơn vị liên quan mở trên 290 lớp dạy nghề (đan thảm lục bình, may gia đình, đan giỏ xách nhựa...), có hơn 8.590 lượt người tham gia. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Ông Trương Minh Ký (55 tuổi) ở Cụm dân cư ấp K10, xã Phú Hiệp cho hay: “Gia đình tôi không có đất canh tác, sống bằng nghề làm thuê. May mắn tôi được xét vào ở trong cụm dân cư. Năm 2010, tôi tham gia học lớp dạy nghề nông thôn do địa phương tổ chức. Hiện, tôi có chỗ ở ổn định và thu nhập bình quân hơn 1,5 triệu đồng/tháng từ nghề đan giỏ xách nhựa, vợ tôi thì mua bán phế liệu, kinh tế gia đình phát triển và đã thoát nghèo”.
Sau khi tham gia các lớp dạy nghề nông thôn, nhiều lao động ở các CTDC tìm được việc làm trong và ngoài tỉnh. Gần đây, một số lao động đã mạnh dạn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, ngoài các lớp dạy nghề ở nông thôn giải quyết đáng kể việc làm cho người lao động, thì tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, huyện có 31 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Đài Loan, Nhật Bản...), 69 người đang học định hướng, trong đó có nhiều người sống trên các CTDC.
Chương trình xây dựng CTDC đã góp phần giúp người dân Tam Nông có chỗ ở an toàn, ổn định. “Bài toán” về việc làm được địa phương quan tâm giải quyết để người dân thật sự “an cư, lạc nghiệp” trên những CTDC vượt lũ.
NHỰT AN