Huyện Hồng Ngự:

Người dân đầu nguồn mong đón lũ sau giãn cách xã hội

Cập nhật ngày: 23/09/2021 11:21:42

ĐTO - Những ngày qua, dù con nước đã “leo bờ” ngập trắng đồng tại nhiều địa phương của huyện Hồng Ngự, nhưng các hộ dân theo nghề câu, lưới nơi đây phải tạm gác lại công việc đánh bắt thủy sản để ở nhà phòng, chống dịch Covid-19... Dù ở nhà, nhưng tất cả họ đều kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, ngư dân lại được “đón lũ” sau khi hết giãn cách xã hội.


Thời điểm này năm 2020, ngư dân đã tất bật đánh bắt cá linh trên sông Tiền thuộc địa phận thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (ảnh tư liệu)

Huyện Hồng Ngự là địa phương đầu nguồn của tỉnh, nơi mùa nước nổi về sớm và nhiều nhất. Mỗi năm, cứ độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, theo những ngư dân vùng đầu nguồn, với “người bạn đồng hành” là những chiếc xuồng câu, mẻ lưới cùng nhau ra đồng mưu sinh mùa nước nổi. Còn nhớ, vào thời điểm này năm trước, trên các cánh đồng của xã Thường Thới Hậu A, Thường Lạc hay Thường Phước 1, hình ảnh ngư dân đánh bắt sản vật mùa nước trở nên nhộn nhịp. Những chuyến ra đồng thu về những mẻ cá, tôm đầy ắp mang về thu nhập cho người dân đầu nguồn; các “chợ quê” tấp nập cảnh người dân mua, bán cá đồng và nhiều sản vật thiên nhiên...

Thế nhưng, mùa nước nổi năm 2021 lại khác. Dù con nước đã tràn đồng hơn 2 tuần nay, người dân tại nhiều địa phương của huyện Hồng Ngự chưa thể ra đồng mưu sinh mùa nước nổi. Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh đã tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, đời sống người dân ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp nhiều khó khăn... Với người dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự, dịch Covid-19 còn đang làm “gián đoạn” cơ hội mưu sinh mùa nước.

Hành nghề đánh bắt cá vào mùa nước nổi, nhưng mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Kiểm (SN 1972) ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự phải ở nhà do thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch. Theo ông Kiểm, những ngày này năm ngoái, ông giăng 6 tay lưới, với đầy ắp cá đồng, vừa giúp cải thiện bữa cơm gia đình vừa mang về thu nhập từ 300 - 400 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, để phòng dịch nên địa phương kiểm soát hoạt động đi lại, người dân hạn chế ra ngoài. 6 tay lưới mà ông Kiểm chuẩn bị để mưu sinh mùa lũ cũng nằm yên trong nhà hơn 2 tuần qua. “Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi sửa soạn lại mấy tay lưới, chờ hết ngày giãn cách xã hội để ra đồng giăng lưới bắt cá. Không được ra đồng những ngày qua cũng tiếc lắm, vì những ngày nước leo bờ, cá tràn theo con nước nên phong phú chủng loại, mình sẽ thu hoạch được khá hơn. Hiện tại, tôi chỉ mong sao dịch Covid-19 mau được kiểm soát, người dân vùng đầu nguồn được ra đồng để kiếm thu nhập...” - ông Kiểm chia sẻ.

Theo con nước nổi, sản vật mùa lũ cũng bắt đầu sinh sôi, nảy nở, trong đó có con cá linh - một đặc sản chỉ xuất hiện mỗi năm 1 lần vào đầu mùa nước nổi. Theo nghề đánh bắt cá linh hơn 10 năm nay, ông Dương Văn Mong (SN 1967, ngụ xã Thường Thới Hậu A) lúc nào cũng “ngóng” con nước để bắt tay vào công việc mưu sinh. Thế nhưng, năm nay, khi thấy con nước tràn trên các cánh đồng lúa sau thu hoạch, ông Mong lại có cảm giác xao xuyến khó tả. Ông Mong tâm sự, mỗi năm, khi vào mùa nước nổi, gia đình ông đều chuẩn bị đầy đủ ngư cụ, sửa lại chiếc xuồng máy để đánh bắt cá linh, thu nhập mỗi ngày từ 500-600 ngàn đồng. “Mấy ngày qua, thấy con nước trắng đồng mà trong lòng tôi thấy tiếc nuối. Nhưng dịch bệnh nguy hiểm, ở nhà phòng dịch là biện pháp an toàn nên tôi và gia đình đều tuân thủ theo quy định của địa phương. Tôi cũng mong chờ ngày hết giãn cách xã hội để ra đồng bắt cá, có thêm tiền để trang trải cuộc sống...” - ông Dương Văn Mong chia sẻ với tâm trạng đầy hy vọng.

Còn bà Võ Thị Thơm ngụ xã Thường Thới Hậu A là thương lái chuyên mua bán cá linh non đầu mùa, sau đó cung cấp cho tiểu thương các chợ tại huyện Hồng Ngự. Giống như nhiều ngư dân, bà Thơm cũng gác lại nghề thương lái cá linh trong thời gian địa phương thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Võ Thị Thơm bộc bạch: “Mấy hôm nay, ngồi ở nhà phòng dịch mà nhớ nghề, nhớ cảnh mua bán cá linh nhộn nhịp. Mùa nước năm ngoái, mỗi ngày, tôi thu mua và vận chuyển giao bạn hàng khoảng 100-200kg cá linh. Công việc bắt đầu từ giữa tháng 8 âm lịch, cao điểm kéo dài khoảng 4-5 tuần. Năm nay, lũ về đúng thời điểm giãn cách xã hội, đi lại khó khăn, chợ tạm nghỉ, người dân không đánh bắt được nên cá linh cũng khan hiếm hơn”.

Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của những bà con vùng lũ ở huyện biên giới Hồng Ngự. Hàng ngày ra đồng với chiếc xuồng câu, tay lưới cũng làm cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần nhộn nhịp, sung túc. Năm nay, mùa lũ về đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân chưa thể ra đồng. Hơn ai hết, những ngư dân vùng lũ Hồng Ngự đang mong chờ con nước lớn thêm, mang nhiều sản vật. Rồi địa phương cũng nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh được kiểm soát để bà con được trở lại với nghề câu, lưới trên những cánh đồng nước lũ...

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn