Vĩnh Thạnh: Hiệu quả bước đầu của mô hình giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 31/07/2013 05:32:37

Qua điều tra đầu năm 2012, xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò) có 478 hộ nghèo, chiếm 12% hộ dân toàn xã. Nguyên nhân dẫn đến nghèo do thiếu trình độ, vốn, tư liệu sản xuất.

Để từng bước giảm hộ nghèo trong xã, tháng 10/2012, UBND xã Vĩnh Thạnh bước vào thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư, UBND huyện Lấp Vò làm chủ dự án).


Bà Huỳnh Thị Phấn thu nhập khá hơn nhờ sử dụng
vốn vay hiệu quả

Dự án xét chọn 42 hộ nghèo của xã tham gia, trong đó có 31 hộ nuôi bò, 6 hộ nuôi heo, 3 hộ đan đát, 1 hộ mua máy chẻ nan và 1 hộ mua phụ tùng sửa xe gắn máy. Đây là những hộ nghèo chí thú làm ăn, có khả năng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản, chăn nuôi, làm dịch vụ buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững.

Hộ được vay cao nhất 15 triệu đồng và thấp nhất 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng, tổng kinh phí thực hiện dự án là 695 triệu đồng (trong đó vốn cho hộ nghèo vay là 420 triệu đồng; vốn đối ứng của hộ tham gia dự án 40 triệu đồng; vốn đối ứng của xã 155 triệu đồng, kinh phí hoạt động quản lý dự án 80 triệu đồng), thời gian thực hiện 30 tháng. Mục tiêu dự án phấn đấu có từ 95% trở lên hộ tham gia thoát nghèo bền vững.

Qua thời gian thực hiện, phần lớn hộ trong dự án sử dụng vốn đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. Đến nay, có 6 hộ nuôi bò đã bán và mua lại bò nuôi tiếp. Hộ bà Võ Thị Ba (70 tuổi) ở ấp Vĩnh Bình B có 6 nhân khẩu, không đất sản xuất. Con trai bà bốc vác mỗi ngày kiếm được từ 70.000 - 80.000 đồng; con dâu bà phụ bán cơm một buổi cũng kiếm được 50.000 đồng; 3 người cháu còn đi học.

Bà cho biết, thấy một số người nuôi bò ở trong xóm ít rủi ro, lấy công làm lời, bà rất muốn nuôi nhưng không có vốn. Khi được dự án cho vay 15 triệu đồng bà rất mừng, liền mua một con bò 11 triệu đồng về nuôi. Hàng ngày, sau khi đi làm về, con bà cắt cỏ cho bò ăn. Bà vừa bán bò được 18,3 triệu đồng và mua lại 2 bò nghé nuôi tiếp.

Bà Ba nói: “Tôi tính nuôi bò hoài. Nếu nuôi 2 con bò này thuận lợi, tôi sẽ bán để tiếp tục mua 3 con bò nữa về nuôi. Tin là thoát nghèo bền vững”.

Tương tự, hộ anh Phạm Văn Thành ở ấp Vĩnh Lợi mua 2 con bò 25 triệu đồng (vay dự án 15 triệu đồng và tiền gia đình hỗ trợ). Vừa qua, anh bán được 42 triệu đồng và mua lại cặp bò 27 triệu đồng tiếp tục nuôi. Hộ anh Ngô Minh Tuấn ở ấp Vĩnh Lợi mua con bò 15 triệu đồng, sau thời gian nuôi bán lại giá 25 triệu đồng và mua lại một con bò giá 12 triệu đồng để tiếp tục nuôi...

Ngoài hiệu quả từ nuôi bò, nhiều hộ khác thuộc dự án nuôi heo, đan đát cũng đạt hiệu quả. Bà Huỳnh Thị Phấn ở ấp Vĩnh Lợi vay 10 triệu đồng để làm vốn cho nghề đan đát. Ngoài mua nguyên liệu để đan đát, bà còn dùng vốn này mua thúng thô về làm thêm phụ kiện như nức vành, niền thêm để bán cho các lò sấy lúa. Chị Ngọc Thúy (con bà Phấn) cho biết, thường thúng thô (chứa 2 giạ lúa) giá 70.000 đồng/chiếc, sau khi làm thêm phụ kiện (giá 95.000 đồng/chiếc) bán ra từ 110.000 - 120.000 đồng/chiếc. Một tháng bán từ 15 - 20 chiếc, thu nhập “đỡ” hơn trước.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, xã phát hiện 9 hộ sử dụng vốn không đúng mục đích như nhận vốn nuôi bò, nhưng không nuôi bò mà nuôi heo hoặc ngược lại, cho con ăn học, cho thân nhân mượn... Ban quản lý dự án xã đã tiến hành mời các hộ trên đến cho làm cam kết thu hồi vốn. Đến nay, đã thu hồi vốn 2 hộ, 2 hộ thu hồi vốn một phần, một hộ khắc phục mua bò về nuôi, 3 hộ chưa có khả năng hoàn vốn... Thêm vào đó, 1 hộ nuôi 2 con bò nhưng đã chết (do ăn cỏ nhiễm thuốc sâu). Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả, mục tiêu của dự án.

CT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn