Nhà máy tôn Vạn Phát vẫn còn phát sinh bụi, tiếng ồn ra môi trường
Cập nhật ngày: 22/01/2018 14:33:23
ĐTO - Do không chịu được ô nhiễm từ bụi hạt nhựa, mùi hôi và tiếng ồn từ Nhà máy sản xuất tôn Vạn Phát nên nhiều hộ dân ở Khu Dân cư (KDC) Thủy Tiên, ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc đã nhiều lần gửi đơn đến các ngành chức năng kêu cứu.
Nhà máy tôn Vạn Phát - nơi mà người dân bức xúc vì gây bụi, mùi hôi ảnh hưởng môi trường
Nhiều lần kiểm tra nhưng vẫn còn bụi và tiếng ồn
Nhà máy sản xuất tôn Vạn Phát thuộc Doanh nghiệp Tư nhân Vật liệu xây dựng Vạn Phát Đồng Tháp (gọi tắt là Nhà máy tôn Vạn Phát) địa chỉ số 28A, đường Nguyễn Sinh Sắc, ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc bắt đầu hoạt động ép sóng tôn và cán xà gồ cung cấp ra thị trường vào cuối năm 2010, với diện tích gần 700m2. Đến năm 2016, nhà máy mở rộng diện tích hoạt động lên 1.800m2 để sản xuất thêm la phông nhựa từ nguyên liệu bột đá và bột nhựa PVC thì bắt đầu gây ra tiếng ồn, phát tán bụi hạt nhựa và mùi hôi, vì thế người dân KDC Thủy Tiên đã làm đơn gửi UBND TP.Sa Đéc.
Tháng 10/2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Sa Đéc tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) tại Nhà máy tôn Vạn Phát. Kết quả, nhà máy không thực hiện thủ tục hành chính về BVMT nên Phòng yêu cầu chủ nhà máy thực hiện các thủ tục về BVMT, đồng thời đề nghị có biện pháp thu gom, xử lý chất thải đảm bảo theo quy định.
Do Nhà máy tôn Vạn Phát tiếp tục phát sinh ô nhiễm nên người dân ở KDC Thủy Tiên tiếp tục phản ánh đến Sở TN&MT. Kết quả kiểm tra mẫu thử nghiệm các chỉ tiêu về bụi, độ ồn của Trung tâm Quan trắc TN&MT vào tháng 2/2017 và tháng 9/2017 đối với nhà máy đều đạt so với quy định, nhưng nhiều chỉ số vẫn còn mức khá cao.
Điển hình, kết quả kiểm tra thông số về độ ồn đo được của Trung tâm Quan trắc TN&MT vào ngày 5/9/2017 tại Nhà máy này là 84,2/85 đề xi ben và độ ồn tại vị trí cách nhà máy 10m là 63,9/70 đề-xi-ben. Dù cho thời điểm thu mẫu kiểm tra, Nhà máy chỉ hoạt động có 25% công suất thiết kế theo đăng ký.
Cũng qua kiểm tra về môi trường ngày 5/9/2017, Chi cục BVMT phát hiện Nhà máy tôn Vạn Phát chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường, vẫn còn phát sinh mùi hôi từ khu vực lắp đặt các dây chuyền sản xuất la phông, tái chế sản phẩm; chưa thu gom, xử lý triệt để bụi từ dây truyền phối trộn bột đá và bột PVC; chưa che chắn kín đáo và còn các công trình hở như: giếng trời trên mái nhà xưởng, song gió,... có thể phát tán bụi, mùi và tiếng ồn ra môi trường xung quanh. Chi cục BVMT đề nghị chủ cơ sở, đến hết ngày 29/9/2017 phải khắc phục các tồn tại nêu trên.
Sau đó, Nhà máy tôn Vạn Phát có công văn gửi Chi cục BVMT xin gia hạn thực hiện các giải pháp BVMT đến hết tháng 2/2018, nhưng Chi cục BVMT đề nghị phía Nhà máy khẩn trương hoàn thành việc xử lý bụi, mùi hôi và khí thải trong tháng 12/2017. Trường hợp, nhà máy vẫn không thực hiện hoàn chỉnh các nội dung theo yêu cầu thì Phòng TN&MT kiểm tra, tham mưu cho UBND TP.Sa Đéc xử lý nghiêm theo quy định.
Các hệ thống hút bụi, hút mùi được nhà máy lắp đặt nhưng bụi vẫn còn phát sinh
Vẫn còn bị ô nhiễm
Mặc dù, theo thông tin từ bà Huỳnh Thị Mai - Chủ Nhà máy tôn Vạn Phát thì bà đã đầu tư kinh phí gần 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống xử lý mùi hôi, khí thải theo đề nghị của Chi cục BVMT tỉnh, nhưng tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân KDC Thủy Tiên tỏ ra khá bức xúc với việc ô nhiễm xuất phát từ Nhà máy tôn Vạn Phát.
Bà Trần Thị Mười (55 tuổi), nhà số 28/10, KDC Thủy Tiên cho biết: “Do bị bụi và tiếng ồn nhiều quá nên gia đình tôi phải lắp cửa kính, đóng cửa suốt ngày mà trong nhà vẫn bị bụi bột nhựa bay vào. Nếu tình trạng này kéo dài thì người dân nơi đây sớm muộn gì cũng mắc bệnh”.
Bà Phạm Thị Thanh Liên, nhà lân cận với bà Mười bức xúc nói: “Ban đầu nhà máy chỉ cán tôn nên dân còn chịu được. Gần đây lại sản xuất thêm la phông gây ra mùi hôi và bụi nhựa khiến cuộc sống chúng tôi đảo lộn. Nhà máy hoạt động 24/24 thì ai mà chịu nỗi. Các ngành chức năng cần có biện pháp di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân”.
Ngày 9/1/2018, Phòng TN&MT TP.Sa Đéc đã kiểm tra môi trường tại Nhà máy tôn Vạn Phát. Kết quả, nhà máy đã tiến hành đầu tư, lắp đặt lại hệ thống hút bụi, hút mùi, khí thải; các cửa thông gió (giếng trời) được đóng kín. Phòng đề nghị nhà máy phải thường xuyên vận hành các hệ thống xử lý bụi, khí thải đảm bảo quy chuẩn môi trường.
Hiện nay, Nhà máy tôn Vạn Phát có tổng hiện tích 2.350m2, sản xuất 2 loại sản phẩm tấm la phông nhựa và cán tôn, cán xà gồ. Trong đó, công suất đăng ký sản xuất tấm la phông là 1.770 tấn sản phẩm/năm, tôn 390 tấn/năm và xà gồ 50 tấn/năm. Mặc dù nhà máy rất thiện chí khắc phục ô nhiễm môi trường nhưng theo phản ánh của nhiều hộ dân ở KDC Thủy Tiên thì Nhà máy tôn Vạn Phát vẫn phát sinh bụi, tiếng ồn ra môi trường. Ông Trương Văn Nhạn sống ở KDC Thủy Tiên cho biết: “Hiện nay, bụi giảm chỉ còn phân nửa so với trước, mùi hôi cũng ít hơn trước. Về tiếng ồn thì vẫn còn, nhất là ban đêm nghe rất lớn. Ngoài ra, lâu lâu tôi thấy nhà máy vẫn còn tình trạng đốt nhựa phế thải gây mùi hôi rất khó chịu”.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Phòng TN&MT TP.Sa Đéc cho biết: “Người dân ở KDC Thủy Tiên đã nhiều lần gửi đơn cho UBND thành phố phản ánh về việc ô nhiễm bụi, tiếng ồn của Nhà máy tôn Vạn Phát. Từ năm 2016 đến nay, Phòng đã 3 lần phối hợp với Sở TN&MT để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của Nhà máy và lấy mẫu kiểm tra về độ ồn, không khí. Kết quả các lần kiểm tra các thông số đều đạt so với quy định.
Hiện UBND thành phố đang tiếp nhận hồ sơ đề án BVMT của Nhà máy tôn Vạn Phát và Phòng đang xác minh, kiểm tra các biện pháp BVMT và lấy ý kiến của người dân đối với loại hình hoạt động của cơ sở để làm tham mưu cho UBND thành phố xem xét, cho ý kiến. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục kiểm tra việc BVMT của cơ sở này”.
Thiết nghĩ, việc nhà máy sản xuất tôn và la phông có quy mô và công suất lớn như Nhà máy tôn Vạn Phát tồn tại ngay trong lòng KDC là điều bất hợp lý. Trước những phản ánh của người dân về việc phát sinh bụi, tiếng ồn của nhà máy, các ngành chức năng quản lý cần tiếp tục kiểm tra việc BVMT của cơ sở này. Đồng thời, cần tìm giải pháp để di dời cơ sở này vào khu công nghiệp hoặc nơi ít dân cư để tránh gây ảnh hưởng cuộc sống người dân và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Phú Thuận