Nhiều cơ hội học nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 13/07/2012 14:30:10

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề và tạo cơ hội cho lao động nông thôn có việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phù hợp và nâng cao chất lượng nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của địa phương, UBND tỉnh vừa thông qua Kế hoạch số 72/KH UBND về thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, mở ra cơ hội học nghề cho nhiều lao động nông thôn.


Lớp dạy nghề may dân dụng do Trung tâm Dạy nghề Tam Nông tổ chức

Theo kế hoạch, giai đoạn 2012-2015 tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 83.000 lao động nông thôn, trong đó có 18.300 người được đào tạo trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề, 62.000 người được đào tạo sơ cấp nghề hoặc học nghề dưới 3 tháng, 23.600 người được dạy nghề theo địa chỉ. Bình quân mỗi năm, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 20.000 người, tập trung hai nhóm nghề: nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; nghề phi nông nghiệp.

Với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho lao động nông thôn làm nông nghiệp theo hướng hiện đại để tăng năng suất và hiệu quả trong lao động, mỗi năm nhóm nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp sẽ có khoảng 6.000 người được đào tạo và phấn đấu có 80% số lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm. Với nhóm nghề phi nông nghiệp, mỗi năm đào tạo nghề cho 14.000 người, trong đó có 6.000 lao động được đào tạo nghề theo hướng có thể tự tạo việc làm hoặc kiếm việc làm nhằm phục vụ đời sống nông thôn và sản xuất nông nghiệp, phấn đấu sau học nghề lao động có việc làm ít nhất 70%; 8.000 lao động nông thôn được đào tạo để phục vụ cho xuất khẩu lao động và cho nhu cầu của các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh... Số lao động này sau đào tạo nghề có việc làm ít nhất 75%.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012-2015 của tỉnh đạt kết quả đề ra, song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về công tác đào tạo nghề, tỉnh từng bước quan tâm, đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng chuẩn hóa và hiện đại; đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề cho lao động, nhất là các nghề mới xã hội có nhu cầu mà khả năng và điều kiện của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh chưa đáp ứng.

Để thuận lợi cho lao động nông thôn học nghề, các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường sử dụng các Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng tại các xã và Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện làm địa điểm đào tạo nghề cho lao động, làm địa điểm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động học nghề, giảm chi phí đi lại cho người lao động. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý làm công tác dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề và các địa phương... Tổng kinh phí để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh là trên 649 tỷ đồng, được thực hiện từ nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và xã hội hóa.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn