Nhiều cơ sở tư nhân đào tạo nghề miễn phí cho người lao động

Cập nhật ngày: 17/07/2013 05:07:22

Từ năm 2007 đến nay, cơ sở đan ghế nhựa của chị Nguyễn Thị Kim Chi ở ấp Hòa Khánh, xã Hòa An (TP.Cao Lãnh) đã dạy nghề tiểu thủ công nghiệp bằng dây lục bình miễn phí cho hơn 200 lao động ở các xã: Hòa An, Tân Thuận Tây, phường 6, phường 11.


Chị em phụ nữ xã Mỹ Trà đan ghế nhựa

Mới đầu, cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thành phố hỗ trợ học phí cho người lao động trong thời gian học nghề, nhưng về sau do thủ tục mở lớp ngày càng khó, số lượng từ 30 học viên trở lên..., trong khi nhu cầu nguồn hàng ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có nguồn đáp ứng thị trường xuất khẩu nên chị Chi vận động những người trong độ tuổi lao động chưa có nghề ổn định đến gia đình dạy nghề, dụng cụ dạy nghề do chị liên hệ với Công ty Cổ phần Sao Mai và một vài cơ sở tiêu thụ sản phẩm từ An Giang cung cấp. Thấy hiệu quả, chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở thành lập tổ hợp tác và duy trì cho đến nay.

Tổ đã góp phần giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo và phấn đấu cuối năm nay đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với sự nhiệt tình, chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo, chị Nguyễn Thị Kim Chi đã được Thành ủy Cao Lãnh khen thưởng.

Tương tự, anh Lê Tuấn Kiệt ở xã Mỹ Trà - nhân viên Công ty Cổ phần Sao Mai, từ năm 2009 đến nay, anh Kiệt đã đứng ra dạy nghề miễn phí cho hơn 250 lao động nữ ở xã Mỹ Trà và phường 3. Nhờ có hàng làm thường xuyên, nên người lao động rất thích và theo nghề nhiều năm. Anh dự định sẽ phát triển ngành nghề này tại khu dân cư Quãng Khánh.

Nhằm góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, anh Danh Tân - chủ cơ sở sản xuất chậu kiểng Hiệp Phát ở phường Mỹ Phú đã đứng ra dạy nghề làm chậu kiểng cho 30 lao động nhàn rỗi ở phường, chủ yếu là hội viên nông dân, phụ nữ. Anh Tân cho biết, trước năm 2010, anh làm việc tại Công ty cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp số 2, thời gian này gia đình anh có trồng và sản xuất hoa kiểng. Trong một lần Công ty tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi tham quan các tỉnh miền ngoài, thấy một số người sản xuất chậu kiểng ăn nên làm ra, nên anh chụp ảnh công đoạn sản xuất, kiểu dáng rồi về nghiên cứu tự làm. Sau này, do công việc sản xuất chậu kiểng bận rộn, anh xin nghỉ làm tại Công ty.

Nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm làm ra không đủ cung cấp thị trường nên anh có ý định tổ chức dạy nghề cho lao động và nhận vào làm tại cơ sở. Mỗi ngày anh trả công cho người lao động 150 ngàn đồng, người lao động nhà xa sẽ được bao cơm trưa.

TP.Cao Lãnh là trung tâm của tỉnh nhưng dân số sinh sống bằng nông nghiệp hiện chiếm trên 50%, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển chưa nhiều, trình độ dân trí còn thấp. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của tổ chức, cá nhân trong việc hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Trong quá trình thực hiện, một số cơ sở cũng gặp phải không ít khó khăn do thiếu vốn vì vậy các cơ sở mong muốn chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để phát triển, mở rộng ngành nghề, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được tốt hơn.

Phương Nga

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn