Điểm sáng về phát triển giao thông nông thôn
Cập nhật ngày: 15/07/2013 04:01:22
Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) là xã duy nhất được tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển giao thông nông thôn từ năm 2008 đến năm 2013. Đây là địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển hệ thống giao thông.
Trước hết, Đảng ủy, UBND xã xác định việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn kết hợp với đê bao chống lũ là một trong những giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, trong đó địa phương đã xây dựng kế hoạch đầu tư thi công các tuyến lộ giao thông, xây dựng mới lại hệ thống cầu trên địa bàn.
Thêm vào đó, Thanh Mỹ được chọn là một trong 3 xã điểm của huyện về xây dựng nông thôn mới nên xã có thêm nguồn lực để tập trung đầu tư thi công các tuyến đường trên địa bàn, nhất là các trục đường chính từ 4 ấp lên đến trung tâm xã đều lót đan hoặc nhựa hóa, riêng hệ thống cầu trên các tuyến đường chính được xây dựng bằng cầu bêtông (thay thế các cầu gỗ), tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Từ năm 2008 đến năm 2013, xã Thanh Mỹ đã xây dựng mới 133,4km đường giao thông, trong đó cán đá lán nhựa 6,3km; mặt bê tông xi măng 31,7km; nâng cấp hàng chục km đường mặt bê tông xi măng từ 2m lên 3,5m; xây dựng mới 80 cây cầu (16 cây cầu bê tông cốt thép, 9 cây cầu sắt, 55 cây cầu gỗ) với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp (đất và tài sản) trị giá gần 62 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Mỹ, đạt được kết quả trên là ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, tiêu biểu là các đoàn thể của xã tích cực vận động nhân dân đóng góp vốn tôn cao nền đường vượt lũ, xây dựng đường giao thông nông thôn kết hợp tốt việc xây dựng đê bao nông nghiệp, huy động người dân đóng góp ngày công trong xây dựng đường giao thông nông thôn nhằm giảm chi phí cho công trình cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Điểm đáng chú ý, địa phương duy trì được lực lượng (đoàn viên, thanh niên, chữ thập đỏ) tham gia bảo dưỡng đường giao thông nông thôn trên địa bàn để sửa chữa các công trình cầu đường bị hư hỏng, qua đó phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn mang lại hiệu quả cao theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy.
Dũng Chinh