Xã Bình Thạnh

Nhiều giải pháp giảm tác hại của ô nhiễm môi trường

Cập nhật ngày: 20/06/2014 05:11:29

UBND xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã phối hợp với ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân giảm thiểu những tác hại của ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thủy sản gây ra. Sau thời gian thực hiện, tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện.


Người dân nuôi cá trên sông Cái Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh

Xã Bình Thạnh phát triển mạnh mô hình chăn nuôi lồng, bè cá tra, cá điêu hồng dọc theo bờ sông Cái Nhỏ, sông Tiền. Toàn xã hiện có trên 300 hộ chăn nuôi cá với số lượng 800 lồng, bè, cho sản lượng cá thương phẩm khoảng 57 ngàn tấn/năm. Dọc sông Cái Nhỏ, do số lượng lồng, bè dày đặt, kết hợp với dòng chảy yếu, sông có hiện tượng bồi lắng dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước cục bộ. Đây chính là nỗi lo đối với những hộ nuôi cá và chính quyền địa phương. Chú Phan Văn Hòa - ấp Bình Mỹ B, xã Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay, việc đậu bè tự phát, mạnh ai nấy đậu chen chúc, xuất hiện ô nhiễm môi trường. Vừa rồi xảy ra hiện tượng cá chết. Riêng bè cá điêu hồng của tôi, từ tháng 4 trở lại đây, cá chết nhiều, có ngày cá chết khoảng 150kg do ô nhiễm nguồn nước. Cá chết, sông bồi lắng, người dân di dời lồng bè ra bờ sông Tiền cho tiện việc chăn nuôi.

Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng khá đơn giản, nhưng chỉ cần thay đổi thời tiết, dòng chảy thì cá chết, môi trường ô nhiễm, vì vậy để giảm thiểu những thiệt hại do cá chết, và hạn chế ô nhiễm nguồn nước, người nuôi có sáng kiến tận dụng nguồn cá chết để làm phân bón vườn. Ông Võ Văn Mãi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh cho biết: “Tôi nuôi 4 lồng cá ven sông Tiền, thỉnh thoảng cá chết, thay vì bỏ, tôi vớt, mang về ủ bón phân cho cây, tiết kiệm chi phí phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...”. Cô Huỳnh Thị Nga, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh nói: “Trước đây, khi cá chết nhiều, người ta không vớt, để ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Sau khi được xã tuyên truyền, vận động, tình trạng này dần được cải thiện bởi người dân chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường...”. Bên cạnh đó, người nuôi còn thu gom cá chết bán cho những hộ nuôi cá tra, cá trê chế biến thức ăn cho cá. Hiện nay, xã Bình Thạnh có 3, 4 điểm thương lái chuyên thu mua cá chết với giá từ vài ngàn đồng đến trên 10.000 đồng/kg( tùy theo trọng lượng cá).

Chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức trong việc giảm thiểu tác hại môi trường như phát tờ rơi, cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cá tiết kiệm chi phí, không ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời, phối hợp với cán bộ Trạm Thủy sản hướng dẫn người dân giãn khoảng cách lồng, bè, đảm bảo dòng chảy, tránh ô nhiễm dẫn đến cá chết hàng loạt. Chị Nguyễn Thị Mai Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Do người dân chăn nuôi thủy sản đã hơn 10 năm nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi để giảm rủi ro, chúng tôi còn thực hiện quy hoạch lại số lượng, cự li lồng, bè để người dân thuận lợi cho việc chăn nuôi. Một số nơi đang bị bồi lắng, chúng tôi cũng đã kiến nghị nạo vét sớm, giúp dòng chảy được lưu thông...”.

Việc chăn nuôi thủy sản mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân xã Bình Thạnh, tuy nhiên để phát huy hiệu quả loại hình kinh tế này, người dân mong muốn có thêm nhiều kiến thức về môi trường để hạn chế những rủi ro liên quan đến môi trường, dòng chảy trong quá trình chăn nuôi.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn