Huyện đoàn Lai Vung

Nhiều giải pháp giúp thanh niên thoát nghèo

Cập nhật ngày: 24/02/2016 12:41:39

Với vai trò là cầu nối, mỗi năm Huyện đoàn Lai Vung đã giúp đỡ nhiều thanh niên (TN) và người lao động có việc làm thông qua giới thiệu việc làm, các tổ tư vấn giới thiệu việc làm, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt...


Thanh niên được Xã đoàn giới thiệu làm đất thuê​

Huyện đoàn Lai Vung phối hợp với các đoàn thể ở địa phương thành lập tổ tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn. Hàng năm, các thành viên của tổ khảo sát nhu cầu việc làm của TN, đồng thời xem xét những TN nghèo chưa có việc làm để giúp đỡ. Qua khảo sát nắm bắt nhu cầu của TN, tổ vận động TN tham gia các sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hoặc giới thiệu việc làm tại nông thôn. Năm 2015, giới thiệu cho trên 500 TN tham gia sàn giao dịch việc làm, trong đó có gần 200 TN tìm được việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh... Những TN không có nhu cầu đi làm việc xa nhà, Huyện đoàn giới thiệu việc làm tại địa phương như: đào đất, xịt thuốc, rải phân, chăm sóc vườn quýt, cam... Nhiều TN đã nắm bắt cơ hội tham gia đi làm việc tại nước ngoài có thời hạn (năm 2015 có 74 TN xuất cảnh tại các thị trường Nhật, Hàn Quốc...). Năm qua, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề - giáo dục thường xuyên huyện mở 19 lớp dạy nghề sửa xe gắn máy, may công nghiệp, chăn nuôi heo, bò, dê theo hướng an toàn sinh học, trồng rau sạch... Anh Nguyễn Văn Tâm ngụ ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới cho biết: “Gia tôi thuộc hộ nghèo, vợ chồng đi làm thuê. Qua giới thiệu của cán bộ Đoàn, tôi tìm được việc làm ở gần nhà. Công việc của tôi là làm cỏ, chăm sóc vườn cam. Thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền đi làm thuê của vợ nên kinh tế gia đình tôi đã khá hơn. Cuối năm 2015, gia đình tôi được thoát nghèo”.

Hàng năm, Huyện đoàn giao chỉ tiêu cho mỗi xã, thị trấn đoàn đăng ký giúp 2 TN thoát nghèo. Để tạo điều kiện cho TN thoát nghèo, Huyện đoàn đã chủ động giới thiệu đến TN các mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng nấm rơm... mang lại hiệu quả cao, đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở lớp tập huấn, hội thảo để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho TN. Sau khi tiếp nhận mô hình thư viện điện tử của Trung ương đoàn vào cuối năm 2012, Huyện đoàn Lai Vung thành lập mô hình Thư viện điện tử và giới thiệu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho TN. Ngoài tập huấn, mô hình còn phát hàng ngàn tờ rơi, hàng trăm đĩa CD, VCD hướng dẫn sản xuất chăn nuôi cho 12 xã, thị trấn đoàn trong huyện. Nhiều năm qua, Huyện đoàn duy trì thực hiện chương trình giới thiệu cho TN vay vốn giải quyết việc làm. Năm 2015, có 16 hộ TN được vay vốn làm kinh tế, mỗi TN được vay từ 30 - 50 triệu đồng. Anh Huỳnh Văn Thiện ở ấp Long Hội, xã Hòa Long được vay 20 triệu đồng vào đầu năm 2015, cộng tiền đối ứng của gia đình, anh làm chuồng và mua 5 con heo về nuôi. Sau 1 năm, anh Thiện bán heo, trừ vốn còn lời 1,5 triệu đồng/con. Hiện anh đang đầu tư nuôi heo nái. Anh Thiện cho biết: “Gia đình tôi đông anh em, không đất sản xuất, chỉ đi làm mướn kiếm sống. Nhờ được vay vốn, tôi có điều kiện chăn nuôi heo nên kinh tế gia đình đã khá hơn và thoát nghèo”.

Trong năm 2015, toàn huyện có 24 TN đăng ký thoát nghèo. Qua các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ phía Huyện đoàn và địa phương, có 22 TN vươn lên thoát nghèo và thành công với các mô hình kinh tế. Với những kết quả đạt được, năm 2016, Huyện đoàn Lai Vung tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ TN về nghề nghiệp, việc làm, nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề nông thôn, quản lí và cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm có hiệu quả để góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng TN nghèo và thất nghiệp.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn