Nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc hàng năm
Cập nhật ngày: 20/03/2018 06:32:45
ĐTO - Nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2018), phóng viên Báo Đồng Tháp phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Lý - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) về kết quả 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc”.
Ông Nguyễn Hữu Lý - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
PV: Năm 2018 là năm tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”, xin ông cho biết kết quả thực hiện và những tác động của đề án đối với công tác gia đình trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Hữu Lý: Thực hiện Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm Sở VH,TT&DL đều tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng một cách thiết thực và hiệu quả bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, băng-rôn, hoạt động của các đội tuyên truyền lưu động, chiếu phim lưu động; Câu lạc bộ (CLB) gia đình đọc sách, CLB “Gia đình phát triển bền vững”, tổ nhân dân tự quản, CLB đờn ca tài tử, hát với nhau, tổ - đội văn nghệ quần chúng,... Đặc biệt là lồng ghép với các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các địa phương thông qua các hội thi, liên hoan, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ,... về chủ đề hạnh phúc (hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp...) được tổ chức và thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Qua 5 năm thực hiện, với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, Ngày Quốc tế hạnh phúc hàng năm đã góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh, đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt có các hoạt động thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Qua đó, đã tác động tích cực đến công tác xây dựng “Gia đình văn hóa”, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa tăng nhanh, năm 2017 đạt 92,83%, tăng 5,45% so với năm 2014 (đạt 87,38%); tình hình BLGĐ giảm mạnh, năm 2014 có 489 vụ, đến năm 2017 giảm còn 196 vụ. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, cần duy trì và phát huy hơn nữa, nhất là hoạt động tuyên truyền nhân các ngày lễ kỷ niệm về gia đình, trong đó có Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3.
PV: Theo ông, thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác gia đình cũng như phát huy hiệu quả của đề án, cần chú trọng những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Hữu Lý: Để nâng cao chất lượng công tác gia đình nói chung, phòng, chống BLGĐ nói riêng cũng như phát huy hiệu quả của Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc hàng năm”, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác gia đình. Đó là, phải đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa, chủ đề và thông điệp của Ngày Quốc tế hạnh phúc để thu hút sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, từ đó nâng cao vai trò, ý nghĩa của gia đình trong đời sống xã hội, hình thành ý thức và lối sống tích cực để xây dựng gia đình hạnh phúc, đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng xã hội.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Các địa phương cần đẩy mạnh lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Quốc tế hạnh phúc vào sinh hoạt CLB “Gia đình phát triển bền vững” ở các địa phương để góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ cả về số lượng và mức độ, tính chất vụ việc; duy trì và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; biểu dương gương người tốt việc tốt, hoạt động tích cực mang lại hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, cần đưa những nội dung về gia đình, phòng, chống BLGĐ vào tiêu chí đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể là danh hiệu “Gia đình văn hóa” một cách thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà.
PV: Xin cảm ơn ông!
BÍCH LIỄU (thực hiện)