Nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo

Cập nhật ngày: 25/05/2016 09:44:33

Năm 2000, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi cả nước và Chương trình mục tiêu Quốc gia “Xóa đói - giảm nghèo” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực thực hiện, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Qua đó, tạo thêm nguồn lực để xã hội hóa nhanh công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.


AIA tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

15 năm qua, Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp kịp thời vận động nhân dân trong, ngoài tỉnh kết hợp với ngân sách giúp đỡ các hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả thiên tai, không để xảy ra tình trạng đói, nhất là trong những năm 2000, 2005 (tổng trị giá hàng hóa, tiền mặt lên đến hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng triệu lượt hộ dân vùng lũ có hoàn cảnh khó khăn).

Các hội đoàn thể cùng Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đẩy mạnh các hoạt động từ thiện - xã hội trong tỉnh giúp người nghèo khuyết tật, cơ nhỡ, cô đơn, nạn nhân chất độc da cam dioxin. Tại mỗi xã, phường, thị trấn, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Hội Đông y duy trì hoạt động thường xuyên 63 phòng, tổ thuốc Nam với 294 lương y tận tụy phục vụ. Toàn tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên 14 tổ cấp cơm, cháo, nước đun sôi miễn phí tại bệnh viện, mỗi năm phục vụ hơn 1 triệu lượt bệnh nhân và thân nhân. Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo, Ban Bảo trợ trẻ em và các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động: hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, giáo dục trẻ em đường phố, nuôi dạy trẻ mồ côi, vận động hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học...

Xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến hộ nghèo là người lao động không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thiếu vốn, không nghề nghiệp... Từ đó, nhiều chương trình, kế hoạch về đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện đồng bộ theo hướng kết hợp giữa giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt và nhu cầu lâu dài. Nhiều mô hình dạy nghề ở cơ sở của các đoàn thể được triển khai, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, giải quyết được việc làm cho số đông lao động nông thôn.

Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” đã tập trung cho công tác xây dựng “Nhà đại đoàn kết” (nhà tình thương) cho hộ nghèo để họ an tâm lao động, phấn đấu thoát nghèo. 15 năm qua, toàn tỉnh đã sửa chữa và cất mới trên 47 ngàn căn nhà tình thương, tổng giá trị hỗ trợ trên 427 tỷ đồng, bình quân mỗi căn có giá trị từ 9 triệu đồng. Công tác xây dựng “Nhà đại đoàn kết” đã khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân theo phương châm “Lấy sức dân để bồi dưỡng cho dân”.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều có kế hoạch tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”, phân công cụ thể từng đoàn đi vận động và nhận được sự hướng ứng tích cực của cán bộ, công chức, người lao động, các doanh nghiệp trong tỉnh, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành khác,... góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu vì người nghèo của địa phương.

Các mô hình giúp đỡ trong cộng đồng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân tham gia như: dự án hỗ trợ bò giống của Đoàn thanh niên; chương trình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo và mô hình tổ hùn vốn xây nhà kiên cố của Hội Nông dân; chương trình góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ;... đã góp phần làm cho cuộc vận động phát triển theo hướng xã hội hóa, gắn với phong trào thi đua yêu nước,...

Phát huy kết quả đã đạt được, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, tăng cường các hoạt động chia sẻ với người nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo phấn đấu vươn lên;...

TN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn