Những người phụ nữ “mê” tham gia bắc cầu nông thôn
Cập nhật ngày: 11/02/2021 06:45:48
ĐTO - Thời gian qua, diện mạo nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp có nhiều khởi sắc. Nhiều cây cầu khỉ, cầu ván được thay bằng cầu bê tông chắc chắn. Đây là kết quả từ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với sự chung tay, góp sức của những nhà hảo tâm và người dân. Trong đó, phải kể đến sự tham gia tích cực của nhiều chị em phụ nữ, nhất là những cô, những bà dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Cô Huỳnh Thị Bạch Phượng chụp ảnh lưu niệm với một số thành viên của Đội xây dựng cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung
Tham gia bắc hàng trăm cây cầu bê tông
Trong 5 năm qua, toàn huyện Lai Vung bắc mới hơn 230 cây cầu đạt tiêu chuẩn và trên chuẩn nông thôn mới. Tổng trị giá trên 55 tỷ đồng, trong đó mạnh thường quân và người dân ủng hộ gần 40,4 tỷ đồng; thành viên Đội xây dựng cầu từ thiện và Nhân dân góp hơn 86.900 ngày công lao động. Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của cô Huỳnh Thị Bạch Phượng (SN 1961) - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu, đường (KHKTCĐ) huyện Lai Vung. Với những thành tích nổi bật trong việc vận động xây dựng cầu, đường..., cô Phượng được Ban Dân vận Trung ương, Hội KHKTCĐ Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen.
Từng là Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lai Vung, ngay sau khi nghỉ hưu (năm 2015), cô Phượng lại góp công, góp sức bắc cầu ở địa phương. Cô Phượng tâm sự: “Về hưu, còn sức khỏe nên làm được việc gì có ích cho quê hương thì cô cứ làm. Tận dụng kinh nghiệm công tác dân vận và những mối quan hệ với nhiều mạnh thường quân, cô tham gia đi vận động, tổ chức bắc cầu, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân”. Nhằm chủ động trong việc đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu nông thôn, cô Phượng củng cố, kiện toàn lại Đội xây dựng cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung (trực thuộc Hội KHKTCĐ huyện), có 120 thành viên, do ông Võ Văn Lộc làm Đội trưởng.
Với vai trò là Chủ tịch Hội KHKTCĐ, cô Phượng phối hợp với các ngành và các địa phương trong huyện thực hiện nhiều việc như: lập danh mục nhu cầu xây dựng cầu nông thôn để đăng ký với UBND huyện đưa vào kế hoạch hàng năm; khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ chiết tính kỹ thuật, kinh phí xây dựng cầu để tổ chức vận động kinh phí; theo dõi sát sao tiến độ xây dựng các cây cầu; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện giải quyết những vướng mắc trong quá trình vận động và xây dựng cầu nông thôn... Đồng thời phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức trang trọng lễ khởi công, khánh thành những cây cầu; công khai các khoản thu chi, từ đó, mạnh thường quân và người dân tin tưởng, tiếp tục đóng góp để làm cầu trên địa bàn huyện.
Bà Phan Thị The chuẩn bị bữa ăn cho những người tham gia góp công bắc cầu nông thôn
Làm “bếp trưởng” cho Đội bắc cầu từ thiện
Nhiều năm qua, bà Phan Thị The ngụ ấp Hòa Bình, xã Long Thắng, huyện Lai Vung vẫn miệt mài tham gia hỗ trợ và vận động bắc nhiều cây cầu ở địa phương. Là Tổ trưởng Tổ hậu cần (thuộc Đội xây dựng cầu xã Long Thắng), mỗi cây cầu từ khi khởi công cho tới lúc khánh thành, bà The đều “trực chiến” phụ trách việc cơm nước cho những người góp công làm cầu từ thiện. Bà quan tâm kỹ lưỡng việc lựa chọn nguyên liệu, nấu nướng nên những món ăn do bà làm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp mọi người vững bụng, mạnh tay, khỏe chân để xây cầu. Bữa ăn bình thường có 3 món gồm kho, xào, canh; người lao động được ăn 3 bữa/ngày.
Theo bà Phan Thị The, nhờ mối quan hệ quen biết, từ năm 2010, bà vận động mạnh thường quân tài trợ bắc cây cầu Tân Quang ở ấp Hòa Bình. Được nhà hảo tâm tài trợ kinh phí mua vật tư, bà cùng với ông Phan Văn Năm (cùng ngụ xã Long Thắng) kêu gọi người dân địa phương góp công bắc cầu. Bà vận động một số chị em ở gần nơi xây cầu lo việc nấu ăn, phục vụ những lao động làm cầu. Nhiều cây cầu nghĩa tình khác được xây dựng trong xã Long Thắng cũng bằng hình thức mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua vật liệu xây dựng; người dân góp công xây cầu; bà The và một số chị em phụ trách hậu cần.
Trong 10 năm qua, bà The tham gia vận động kinh phí bắc cầu; trực tiếp lo việc nấu ăn và kêu gọi chị em phụ nữ tham gia phục vụ cơm nước cho người lao động để xây mới hơn 40 cây cầu bê tông. Giờ đây, đã 75 tuổi, đi lại khó khăn nhưng bà vẫn nhiệt tình làm “bếp trưởng” mỗi khi bắc cầu. Đồng chí Bùi Thị Ngọc Quí - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Long Thắng cho biết: “Cô Phan Thị The rất nhiệt tình tham gia các hoạt động từ hiện xã hội, là một trong những người khởi xướng phong trào xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn ở xã. UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho cô The về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2010 - 2020”.
Dù sức khỏe không được tốt nhưng bà Phan Thị Vân vẫn còn “mặn mà” với công tác xã hội
Bán vàng để... xây cầu
“Nhờ chị Năm ủng hộ tiền và vận động thêm nhà hảo tâm đóng góp kinh phí mà cây cầu Ngọn Đìa Rúng được xây dựng mấy năm nay. Cây cầu bê tông này thay thế cho cây cầu ván nhỏ hẹp trước đây. Từ ngày có cầu mới, chúng tôi lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Tôi và nhiều người dân địa phương rất cảm ơn chị Năm” - ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1956) ngụ ấp An Thái, xã An Khánh, huyện Châu Thành chia sẻ. Người mà ông Hữu nhắc tới là bà Năm Vân - tên thật là Phan Thị Vân (SN 1946) ở cùng ấp An Thái. Bà Năm tham gia cách mạng từ năm 1960, nhiều lần bị địch bắt, ở tù, bị thương và là thương binh hạng 4/4.
Sau ngày đất nước hòa bình, bà Năm về công tác ở xã An Khánh và cùng chồng nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình. Đã nghỉ hưu nhiều năm nay, bà Năm vẫn nhiệt tình đóng góp cho công tác xã hội ở địa phương, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mấy năm trước, xã An Khánh còn nhiều cầu khỉ, cầu ván, người dân và các cháu học sinh đi lại khó khăn, bà luôn trăn trở phải làm gì đó để bê tông hóa cầu trên địa bàn xã. Từng giữ vai trò Chủ tịch Hội Kiều bào xã An Khánh, bà vận động Việt kiều ở các nước, thân nhân Việt kiều đóng góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng cầu.
Không chỉ tích cực tham gia vận động, bà Năm còn trực tiếp đóng góp tiền để bắc những cây cầu bê tông vững chắc cho quê hương. Bà Năm Vân kể: “Năm 2014, bà tổ chức xây dựng cầu Kênh Thầy Cai, kinh phí hơn 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công của công trình, bà quyết định bán luôn 1 lượng vàng (để dành dưỡng già) để thanh toán chi phí làm cầu cho đơn vị thi công”. Từ năm 2014 đến nay, bà Năm tham gia vận động mạnh thường quân ủng hộ cất nhiều căn nhà tình thương; tặng hàng ngàn phần quà cho người nghèo, học sinh gặp khó khăn... và bắc 14 cây cầu (chủ yếu ở xã An Khánh), tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Nhựt An